Gặp gỡ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Giáo viên tâm tư nhiều về lương, tuổi nghỉ hưu

XUÂN PHÚ 16/08/2023 05:30

Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có cuộc gặp với cán bộ quản lý, giáo viên cả nước bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến để lắng nghe, trao đổi các vấn đề liên quan đến ngành. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc gặp nên thu hút hơn 700 nghìn cán bộ, giáo viên trên cả nước tham gia.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ nhà giáo cả nước. Ảnh: X.P
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ nhà giáo cả nước. Ảnh: X.P

Lương thấp, độ tuổi nghỉ hưu cao

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trước cuộc gặp đã tiếp nhận hơn 6.500 câu hỏi của giáo viên (GV) trên cả nước gửi đến chương trình “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục năm 2023”. Trong đó, có hơn 2.000 câu hỏi liên quan đến vấn đề lương, phụ cấp nhà giáo và mong muốn Bộ GD-ĐT quan tâm, nhất là chế độ đãi ngộ đối với GV vùng sâu, vùng xa. Cạnh đó, có hơn 500 ý kiến đề nghị Bộ trưởng kiến nghị để tuổi nghỉ hưu GV mầm non trở lại 55 tuổi thay vì 60 như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn kim Sơn, 2 nhân tố quan trọng trong triển khai chương trình GDPT mới là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, công nghệ. Tính chất, công việc nhà giáo hiện nay đã có sự thay đổi nên định mức GV/lớp không điều chỉnh là không phù hợp. Hiện bộ đang nghiên cứu điều chỉnh Thông tư 16 trong thời gian tới.

Việc triển khai dạy các môn tích hợp trong chương trình GDPT mới được chuẩn bị kỹ, song thực tế gặp nhiều vướng mắc và đây là điểm nghẽn, khó khăn nhất trong những năm qua.

Sắp tới sẽ xem xét, cân nhắc khả năng điều chỉnh dạy các môn tích hợp ở THCS nhưng không gây xáo trộn mà tốt hơn, phù hợp với thực tiễn. Tương tự, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang lấy ý kiến về phương án có thể điều chỉnh để bước đầu phù hợp với chương trình GDPT mới.

Tại cuộc gặp, nhiều tâm tư xoay quanh câu chuyện “lương thấp, độ tuổi nghỉ hưu cao” tiếp tục được nêu lên. Cô giáo Lê Thị Tuyết Luận (tỉnh Điện Biên) bày tỏ băn khoăn quy định thời gian làm việc 8 giờ/ngày nhưng thực tế GV mầm non kéo dài từ 10 - 11 giờ nên không có thời gian chăm lo gia đình.

“Nếu có một ngày trải nghiệm làm GV mầm non sẽ thấu hiểu nỗi áp lực, vất vả nhưng lương thấp, không đủ sống. Trong khi đó, độ tuổi nghỉ hưu 60 là quá lớn vì vừa nuôi, vừa dạy, rất khó khăn” - cô Luận chia sẻ. Cho rằng đặc thù GV mầm non vừa nuôi, vừa dạy, lao động trong điều kiện khó khăn, dễ bị lây bệnh nhưng phụ cấp rất thấp, cô giáo Lý Thị Trinh Nguyên (tỉnh Hậu Giang) đề nghị tăng phụ cấp từ 35% lên 70% như các trường chuyên biệt.

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Thầy Nguyễn Bá Dũng (hiệu trưởng trường tiểu học ở tỉnh Đắc Nông) tâm tư, hiện nay dạy học chương trình GDPT mới nên tỷ lệ 1,5 GV/lớp trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày còn thấp và kiến nghị bố trí 1,7 GV/lớp mới đáp ứng nhu cầu làm việc.

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hương (Lạng Sơn) băn khoăn, chương trình GDPT mới có một số môn tích hợp nhưng chưa được Bộ GD-ĐT hướng dẫn thi học sinh giỏi riêng lẻ hay tích hợp, hướng dẫn định mức GV dạy các trường liên cấp.

Một GV khác nói, GV được đào tạo từng môn nên gặp khó khi dạy tích hợp, chưa được hỗ trợ tập huấn. Ngoài ra, nhiều người trăn trở chọn nhiều bộ sách giáo khoa nên chuyển trường rất khó khăn, phương án tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp THPT sắp tới như thế nào?

Bộ GD-ĐT chia sẻ khó khăn

Chia sẻ về cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm thấy hồi hộp, căng thẳng vì chưa làm việc này bao giờ. “Có người khuyên tôi không nên tổ chức cuộc gặp này vì làm sao trả lời hết? Nhưng tôi quyết định phải tổ chức cuộc gặp hôm nay”. Bộ trưởng nhắc lại, đây không phải là cuộc đối thoại, mà là trao đổi giữa Bộ trưởng với nhà giáo trên cả nước để thấu hiểu và chia sẻ, gần nhau hơn.

“Hiện nay, ngành triển khai rất nhiều công việc rất lớn, trong đó có những việc rất khó, tưởng như dời non lấp bể. Nhưng tất cả nếu cùng nhìn về một phía thì khó mấy cũng làm được” - người đứng đầu ngành GD-ĐT nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ nỗi vất vả của nhà giáo và khẳng định, Đảng, Nhà nước thời gian qua đã có sự quan tâm, ngoài lương còn có các chế độ phụ cấp, trợ cấp… Tuy nhiên, mặt bằng chung thu nhập của nhà giáo là thấp, nhất là so với công sức các cô giáo mầm non bỏ ra.

Theo ông, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT làm việc với bộ, ngành và bộ cùng Bộ Nội vụ cũng đã thống nhất đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi 10% đối với giáo viên mầm non và 5% đối với tiểu học.

Về kiến nghị độ tuổi nghỉ hưu của GV mầm non, theo Bộ trưởng, Chính phủ đang sửa Luật BHXH và Bộ GD-ĐT có góp ý đưa GV mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi nghỉ hưu. “Ngành GD-ĐT không tự quyết định được nhưng phải kiên trì kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành liên quan về lương, phụ cấp đối với nhà giáo, nhân viên” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng nói áp lực rất lớn nhưng cá nhân ông và hơn 1,6 triệu đồng nghiệp nỗ lực thực hiện theo phương châm “Dù khó khăn đến mấy cũng ra sức thi đua dạy tốt học tốt”. Bên cạnh hơn 6.500 câu hỏi gửi qua ban tổ chức cuộc gặp, bản thân còn nhận hàng trăm ý kiến qua các kênh cá nhân.

“Tại diễn đàn này, tôi mong muốn chúng ta cần thực hiện tốt chương trình GDPT 2018. Đây là cơ hội lớn cho ngành và đến nay, dù còn điểm này, điểm khác cần điều chỉnh nhưng càng ngày thấy càng quan trọng, đòi hỏi cố gắng thực hiện. Đổi mới là một quá trình, không vội vã.

Thông điệp mà lãnh đạo bộ gửi tới các thầy cô, đó là tất cả kiên định con đường, mục tiêu đổi mới; kiên trì thuyết phục phụ huynh, xã hội chia sẻ, đồng hành với chúng ta; kiên quyết chống biểu hiện lạc hậu, bảo thủ; kiên trinh với nghề giáo dục, thi đua dạy tốt học tốt, đây là truyền thống của ngành” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn truyền thông điệp khi khép lại cuộc gặp.

XUÂN PHÚ