Khó giữ chân giáo viên nước ngoài
Giáo viên người nước ngoài là điều buộc phải có của mỗi trung tâm Anh ngữ, nhưng không dễ “giữ chân” những giáo viên uy tín, chất lượng.
Trung tâm Anh ngữ JENA (đường Hùng Vương, TP.Tam Kỳ) với mục tiêu hoạt động là nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho trẻ từ lứa tuổi mầm non, trong đó tập trung phát triển kỹ năng giao tiếp nên luôn xem việc tuyển dụng giáo viên nước ngoài (GVNN) là ưu tiên hàng đầu.
Bà Phạm Ái Thảo - Giám đốc Trung tâm Anh ngữ JENA cho rằng, giáo viên bản xứ sẽ giúp học viên thường xuyên được tiếp xúc với vốn từ vựng và cấu trúc tự nhiên, thực tế, phù hợp ngữ cảnh. “Bản thân GVNN, đặc biệt là giáo viên đến từ các nước có nền giáo dục phát triển cũng là kết quả của nền giáo dục tiên tiến, nên họ cũng sẽ mang những phương pháp tiên tiến đến giảng dạy tại trung tâm. Việc tiếp xúc với GVNN sẽ giúp trẻ không e dè, nhút nhát khi có dịp giao tiếp với người nước ngoài” - bà Thảo chia sẻ.
Tại Trung tâm JENA, GVNN bắt buộc phải có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như phải có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh tối thiểu 1 năm. Đây cũng là một trong số ít trung tâm Anh ngữ tại TP.Tam Kỳ có GVNN là người của các quốc gia châu Âu, Mỹ và những nước xem tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ.
Ông Kevin Peter Glennon - GVNN đang giảng dạy tại Trung tâm Anh ngữ JENA cho biết, ông đã tham gia giảng dạy tại nhiều trung tâm lớn ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và nhận thấy JENA là nơi tiếp thu khá nhanh những yêu cầu ông đặt ra để hướng tới việc hình thành kỹ năng phát âm chuẩn cho trẻ em. Từ việc xây dựng quy tắc lớp học để tăng tính chủ động trong học viên cho đến tuyệt đối không sử dụng tiếng Việt trong suốt buổi học, tổ chức những workshop chuyên đề để xây dựng kỹ năng phản xạ ngôn ngữ cho trẻ... đều được chú trọng.
Tuy nhiên, để giữ chân những GVNN, các trung tâm Anh ngữ gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Nô Ên - Giám đốc Trung tâm Anh ngữ AMY cho biết, để đảm bảo chất lượng dạy học, trung tâm luôn chọn lọc những giáo viên có năng lực cao, có bằng cấp chuyên môn theo quy định tuyển dụng của Chính phủ. Chính vì thế, mức lương chi trả cho giáo viên rất cao. Đây cũng là điều khó khăn cho trung tâm bởi mức thu phí ở địa phương không thể nào bằng các thành phố lớn. “Do vậy hầu hết GVNN muốn làm việc tại các thành phố lớn để có mức thu nhập cao hơn, lại có dịch vụ xã hội tốt hơn. Rất nhiều giáo viên gặp vấn đề với việc làm giấy phép lao động. Việc xin visa cho giáo viên phải ra tới Hà Nội hoặc vào TP.Hồ Chí Minh...” - bà Nguyễn Thị Nô Ên nói.
Đây cũng là những khó khăn chung của đa số trung tâm Anh ngữ tại TP.Tam Kỳ. Bà Phạm Ái Thảo cho biết thêm, GVNN yêu cầu về tiện nghi sinh hoạt khá cao, tuy nhiên Tam Kỳ lại có ít sự lựa chọn về dịch vụ, giải trí đáp ứng cho đời sống sinh hoạt của người nước ngoài. Chưa kể, công tác quản lý lao động nước ngoài của các đơn vị trên địa bàn chưa chuyên nghiệp, vẫn còn nhiều trường hợp gây mất uy tín, làm ảnh hưởng đến uy tín chung của địa phương.
Hiện nay, xu thế học tiếng Anh trực tuyến khá phát triển. Nhiều GVNN được kết nối để dạy trực tuyến qua các nền tảng cho học viên người Việt. Đây cũng là thách thức đối với các trung tâm Anh ngữ.