Trường Đại học Quảng Nam: Loay hoay tuyển sinh, tuyển dụng

XUÂN PHÚ 13/03/2023 08:25

Trường Đại học Quảng Nam vẫn đang chật vật xoay xở để hoạt động trong điều kiện tuyển sinh khó khăn, thiếu đội ngũ có trình độ tiến sĩ để duy trì và mở thêm các ngành đào tạo.

Trường Đại học Quảng Nam trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Ảnh: X.P
Trường Đại học Quảng Nam trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Ảnh: X.P

Tinh gọn

Từng có thời gian quy mô đào tạo gần 7.000 sinh viên nên Trường Đại học Quảng Nam phải hợp đồng rất nhiều người làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, khiến cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên phình to với 320 người.

Tuy nhiên, kể từ mùa tuyển sinh năm 2016, số lượng tuyển sinh của nhà trường bắt đầu sụt giảm. Dù đưa ra nhiều giải pháp, từ đẩy mạnh tư vấn, quảng bá đến nâng cao chất lượng đào tạo song kết quả tuyển sinh những năm gần đây vẫn chưa chuyển biến.

Theo đại diện nhà trường, giai đoạn 2019 - 2020 tuyển sinh đại học chính quy mỗi năm chưa đến 300 sinh viên, hai năm 2021 - 2022 có khá hơn với 500 sinh viên/năm nhưng vẫn là con số khiêm tốn với một trường đại học (đạt 50% chỉ tiêu).

Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo nhà trường cho rằng do nhu cầu thị trường lao động thay đổi nhanh chóng và nằm bên cạnh các trung tâm giáo dục lớn với quy mô ngày càng mở rộng nên việc tuyển sinh gặp khó khăn.

Để tránh “vết xe đổ” như một số trường khác, song hành với việc đẩy mạnh tuyển sinh đào tạo liên thông hệ vừa làm vừa học nhằm tăng nguồn thu (số lượng tuyển sinh tương đương hệ chính quy), Trường Đại học Quảng Nam còn nhanh chóng kiện toàn, sắp xếp tinh gọn bộ máy, đội ngũ.

Đây được xem là động thái kịp thời, giúp trường giải quyết được bài toán dư thừa đội ngũ, khi từ năm 2017 đến nay đã tinh giản 105 lao động hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ (từ 120 người xuống chỉ còn 15 người).

Hiện đội ngũ cán bộ, viên chức nhà trường chỉ còn 148 người, trong đó 108 biên chế, 40 hợp đồng (gồm 15 giảng viên hợp đồng theo Nghị quyết 102 của Chính phủ, 25 nhân viên hợp đồng theo Nghị định 61 và Nghị định 161).

Theo PGS-TS.Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam, nhà trường đã làm quyết liệt, không ngại va chạm nên cũng có đơn thư khiếu nại. “Tuy nhiên, tất cả vì công việc chung. Nếu không, đến giờ này có lẽ trường rơi vào tình cảnh không có tiền trả lương cho cán bộ, nhân viên” - ông Dương chia sẻ.

Loay hoay

Tuy nhiên, tinh gọn đội ngũ không có nghĩa Trường Đại học Quảng Nam “đóng cửa” với việc tuyển dụng. Theo ông Dương, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề án việc làm của trường với 162 biên chế. Hiện mới sử dụng 108 biên chế, vì vậy trường kiến nghị tỉnh thống nhất chủ trương cho trường tuyển dụng bổ sung số còn thiếu so với chỉ tiêu giao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ nhằm đào tạo, thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ.

“Hiện trường chỉ có 15 tiến sĩ, chủ yếu ở các ngành khoa học cơ bản và giáo dục. Muốn duy trì các mã ngành đào tạo hiện có và mở thêm các mã ngành mới mà xã hội có nhu cầu cao cần có thêm tiến sĩ” - ông Dương nói.

TS.Phạm Nguyễn Hồng Ngự - Trưởng phòng Đào tạo lý giải thêm, nhà trường cần bổ sung đội ngũ vì quy định một mã ngành đào tạo phải có 5 tiến sĩ và trường hiện có 11 ngành. Hơn nữa giảng viên đại học phải có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên. Song hiện nay, đội ngũ chưa đủ đáp ứng yêu cầu chứ chưa nói đến mở thêm mã ngành mới.

Về vấn đề tuyển dụng viên chức của Trường Đại học Quảng Nam, ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, cần phải tính toán thật kỹ để tuyển dụng phù hợp với nhu cầu theo từng giai đoạn.

“Tuyển dụng con người xuất phát từ nhu cầu, dựa trên đề án việc làm, quỹ tiền lương, chỉ tiêu còn thiếu. Do đó, cần rà soát lại theo từng nhóm vị trí việc làm phù hợp và hết sức cân nhắc trong điều kiện tuyển sinh của trường trong thời gian qua đạt thấp” - ông Lại lưu ý.

Cũng theo ông Lại, hiện Sở Nội vụ đang tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút sinh viên xuất sắc theo Nghị định 140. Ông Lại cũng đề nghị nhà trường quan tâm đến vấn đề giữ chân đội ngũ, vì thời gian qua một số giảng viên được nhà trường cử đi đào tạo tiến sĩ sau khi học xong đã xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc.

Ở góc độ tài chính, Phó Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Thanh Thảo chia sẻ: “Khi tuyển sinh không đạt chỉ tiêu cần tránh tình trạng bộ máy cồng kềnh để rồi không đủ kinh phí trả lương hàng năm”.

XUÂN PHÚ