Nâng cao dân trí từ gốc

XUÂN PHÚ 07/03/2023 06:43

Từ giữa tháng 2/2023, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.Tam Kỳ triển khai chương trình “Nâng cao dân trí từ gốc”. Đây là chương trình được đánh giá rất ý nghĩa, nhân văn, tạo ra không khí học tập tích cực, sôi nổi trong trường học và điều đáng chú ý là do một cá nhân hảo tâm khởi xướng và tài trợ.

Ký kết thỏa thuận triển khai chương trình “Nâng cao dân trí từ gốc”. Ảnh: X.P
Ký kết thỏa thuận triển khai chương trình “Nâng cao dân trí từ gốc”. Ảnh: X.P

Tấm lòng của người con xa xứ

Chương trình do TS. Phùng Liên Đoàn đang sinh sống ở Mỹ tài trợ (thông qua Công ty TNHH Đi Tìm Hạnh Phúc, trụ sở tại Huế). Chia sẻ về chương trình, ông Đoàn nói khi còn đi học ở Việt Nam đã ấn tượng với tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh về nâng cao dân trí nên có ý tưởng thực hiện và đến nay đã hỗ trợ triển khai tại một số địa phương ở Việt Nam.

Lấy tên “Nâng cao dân trí từ gốc”, ông mong muốn chương trình góp phần rèn luyện cho học sinh (HS) từ lớp 1 tới lớp 9 có đức tính tốt về học tập để trở thành một thói quen tự nhiên và mang theo suốt đời.

Chương trình “Nâng cao dân trí từ gốc” được triển khai tại 24 trường tiểu học, THCS trên địa bàn Tam Kỳ, trong thời gian 5 năm với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Duyên - Giám đốc Công ty TNHH Đi Tìm Hạnh Phúc cho biết, chương trình nhằm giúp HS nỗ lực học tập, nâng cao tính tự giác, học tốt và sáng tạo; giữ gìn vệ sinh, sức khỏe cho mình và cho môi trường quanh mình; cư xử hòa nhã, trung thực và giúp đỡ mọi người; hiểu biết những quyền hạn và trách nhiệm của người dân trong xã hội.

Đây cũng là 4 đức tính của mỗi học trò khi ngồi trên ghế nhà trường cần thực hiện tốt. Hàng tháng, mỗi lớp bầu chọn HS tiêu biểu để được tuyên dương với giấy chứng nhận và tiền thưởng kèm theo với các mức thưởng từ 10.000 đồng - 120.000 đồng tương ứng với các khối lớp từ 1 đến 9.

“Nhiều năm sống ở Mỹ và đã thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ người dân Việt Nam, từ năm 2020 tôi dành hết nỗ lực thực hiện chương trình “Nâng cao dân trí từ gốc” tại Thừa Thiên Huế và Kiên Giang để kiện toàn ước vọng “Nâng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà hầu hết trí thức Việt Nam đều hô hào, khởi đầu là cụ Phan Châu Trinh.

Tôi năm nay đã 84 tuổi và tiếp tục chọn thêm Tam Kỳ và sắp tới là Phú Ninh - quê ngoại cụ Phan để hỗ trợ. Đây là chương trình ý nghĩa nhất đời tôi” - ông Đoàn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, qua tìm hiểu tại một số địa phương đã thực hiện, nhận thấy việc triển khai chương trình này trong trường học trên địa bàn thành phố là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng, xây dựng môi trường học tập thân thiện, đoàn kết; khuyến khích HS học tập tốt, làm điều hay. Vì vậy, thành phố ký thỏa thuận hợp tác để triển khai tại tất cả trường tiểu học, THCS.

“Tấm lòng và hoài bão của ông Phùng Liên Đoàn đối với việc học của con em là rất đáng trân trọng. Thành phố sẽ tổ chức triển khai, mang lại hiệu quả tốt nhất như mục đích của chương trình hướng đến” - ông Lai nói.

Lan tỏa phong trào dạy tốt - học tốt

Thầy Trần Anh Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho rằng chương trình này khi được triển khai trong nhà trường sẽ mang lại giá trị tinh thần rất lớn đối với việc dạy và học, nhất là khuyến khích học trò cố gắng hơn trong học tập, rèn luyện đạo đức, cư xử với bạn bè, thầy cô.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cũng chia sẻ, chương trình rất ý nghĩa, góp phần động viên và giáo dục học trò không chỉ cố gắng học giỏi mà còn thực hiện nhiều điều hay lẽ phải. Đó cũng là mục tiêu mà nhà trường luôn hướng đến trong giáo dục HS, nhất là các em ở bậc tiểu học.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, một số trường học trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện việc tuyên dương, khen thưởng HS đạt kết quả học tập tốt, có những việc làm mang nhiều ý nghĩa, qua đó khuyến khích, động viên các em nỗ lực hơn.

Song với mục đích, ý nghĩa và cách làm bài bản, động viên, khen thưởng kịp thời, phù hợp với chủ trương của ngành là nâng cao năng lực, phẩm chất HS, hy vọng chương trình này góp phần lan tỏa phong trào dạy tốt - học tốt trong toàn ngành. “Và điều quan trọng là sau khi kết thúc chương trình, các trường học phải duy trì để phong trào ngày càng phát triển” - ông Lộc nói.

Cho biết bản thân rất ấn tượng với chương trình “Nâng cao dân trí từ gốc”, ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT hy vọng sắp đến có sự thay đổi nhận thức của thầy và trò không chỉ trong dạy và học. “Đây là cách làm rất hay, tạo không khí vui tươi, dân chủ, góp phần xây dựng “trường học hạnh phúc” mà toàn ngành đang thực hiện” - ông Thành chia sẻ.

XUÂN PHÚ