Lắng nghe nguyện vọng chọn môn tổ hợp của học sinh lớp 10
(QNO) - Việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) của Bộ GD&ĐT năm học 2022 - 2023, sau học kỳ 1 (HK1) nhiều học sinh (HS) lớp 10 bậc THPT mong muốn được đổi môn tự chọn do sở thích, năng lực không phù hợp.
Định hướng học sinh chọn môn học từ bậc THCS
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên, ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, HS lớp 10 được lựa chọn 4 môn trong các môn học: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Theo đó, các trường THPT trên địa bàn tỉnh dựa vào đội ngũ giáo viên để xây dựng tổ hợp tự chọn, đồng thời việc tuyên truyền cho phụ huynh, HS nắm bắt nội dung chương trình và mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là điều quan trọng nhất.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Ngay từ đầu năm, trường xây dựng 8 tổ hợp cho các em đăng ký nhưng sau đó có 2 tổ hợp đăng ký quá ít. Vì thế trường đã chủ động gọi các HS này và cùng với phụ huynh để các em chọn vào nguyện vọng 2 nhằm cân bằng các lớp học đúng với từng tổ hợp.
Từ đó, 13 lớp khối 10 có sự đồng đều về các môn học với 6 tổ hợp cùng 4 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ và 4 môn tự chọn theo định hướng các khối thi đại học và xét tuyển của HS sau này”.
Thầy Tấn cho biết thêm, khi còn ở cấp 2, nhà trường đã điều động Ban giám hiệu và các thầy cô đến các trường THCS có HS xét tuyển vào Trường Trần Cao Vân. Với các thông tin được in trong tờ rơi về tổ hợp môn học của lớp 10 để ban đầu những HS này có định hướng chọn môn tự chọn đúng khi bước chân vào trường cấp 3.
Còn đối với trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ) năm nay, việc chọn tổ hợp của HS lớp 10 khi trúng tuyển gặp khó khăn lúc ban đầu nhưng bằng sự nỗ lực và điều phối hợp lý của lãnh đạo nhà trường, phần nào đã giúp các em học sinh yên tâm học tập đúng với các môn sở trường của bản thân.
Thầy Phan Văn Lĩnh - Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ, đặc thù của trường là HS còn phải học chuyên đề môn chuyên, cộng thêm là các em học lớp chuyên các khối xã hội cũng có định hướng thi đại học các tổ hợp khối tự nhiên.
Với thực trạng đó, từ đầu năm học nhà trường đã định hướng rõ cho các em chọn đúng tổ hợp theo nguyện vọng và từ đó ban giám hiệu và giáo viên đã sắp xếp, xây dựng thời khóa biểu phù hợp cho từng lớp, từng HS để các em yên tâm trong việc học tập.
“Khi các HS lớp chuyên Văn, Sử, Địa có định hướng chọn thi các khối tự nhiên, trường cũng đã điều phối lịch học phù hợp theo từng lớp của từng môn tự chọn để học sinh không bị chồng chéo giữa các môn.
Đồng thời, trước đó nhà trường cũng đã tuyên truyền cho các em nên chọn môn tự chọn là Tin học vì đây là bộ môn lợi thế về kiến thức khi sau này HS bước vào môi trường đại học và công việc” - thầy Lĩnh cho biết.
[VIDEO] - Ban giám hiệu và thầy cô đồng hành, hỗ trợ hướng đi chọn nguyện vọng cho học sinh lớp 10 ngay đầu năm học:
Theo công văn của Bộ GĐ&ĐT đầu tháng 1/2023 về việc hướng dẫn tạm thời chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT. Trong đó, lưu ý cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12.
Trong trường hợp đặc biệt, HS có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để HS bổ sung kiến thức và kỹ năng.
Lắng nghe nguyện vọng của học sinh
Cũng theo thầy Lĩnh, việc lắng nghe nguyện vọng của học sinh là rất quan trọng vì để các em có thể chu toàn trong việc học các môn muốn theo đuổi và đi đúng con đường học tập đã vạch ra. Dù có khó khăn trong việc điều chuyển các tiết học với nhau nhưng nhà trường vẫn chủ động lấy ý kiến của HS và phụ huynh để có được sự đồng thuận. Mong muốn các em học sinh có thể phát triển năng lực học tập qua các môn học yêu thích.
Tại trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ), trong 2 tuần đầu năm học 2022 – 2023, HS khối 10 có quyền lợi lựa chọn và thay đổi các môn học tự chọn nếu trong quá trình học tập cảm thấy không phù hợp. Việc này cho phép HS thay đổi nguyện vọng đã chọn từ trước để không ảnh hướng đến kết quả tổng kết cuối kỳ.
Cô giáo Trần Thị Tứ Ka - phụ trách bộ môn Sinh học trường THPT Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ) cho hay, năm nay cô được phân công dạy lớp 10/9, đây là lớp thuộc tổ hợp các môn khoa học xã hội. Chủ yếu các HS lớp này đã được chủ nhiệm khối lớp 9 năm trước định hướng cách chọn môn học cho phù hợp với khả năng. Sau HK1 thì rất vui khi lớp 10/9 có 35 em HS đều có học lực khá giỏi và lớp xếp thứ hạng nhất của toàn trường.
“Ban đầu em lựa chọn tổ hợp Lý - Hoá - Địa - Giáo dục kinh tế và Pháp luật, sau khi học được chừng 2 tuần thì em không phù hợp với một môn học tự chọn. Cạnh đó, với sự tư vấn của nhà trường, thầy cô và ba mẹ thì em đã quyết định đổi môn theo nguyện vọng cá nhân sang môn Sinh học. Với sự lựa chọn đúng với nguyện vọng này, em đã đạt kết quả cao trong học tập trong HK1 vừa rồi” - em Phạm Nguyên Khoa, học sinh lớp 10/12 trường THPT Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ) cho hay.
Còn em Hoàng Phan Mỹ Duyên - lớp 10/5 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) bày tỏ: “Đầu năm em có lựa chọn môn Lý làm môn tự chọn của mình, nhưng sau khoảng thời gian học thì bản thân không thích môn này.
Bây giờ thì em cũng định hướng sẽ thi đại học khối B nên em hi vọng sau khi kết thúc năm học sẽ được chuyển qua môn tự chọn là Hóa học, biết rằng khi chuyển qua như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức bộ môn Hóa, nhưng thời điểm hiện tại, lúc rảnh em đã tự học kiến thức môn Hóa của năm lớp 10”.
Vì vậy, khi HS có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn thì trước đó phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, điều này phải có xác nhận cam kết của cha mẹ HS hoặc người giám hộ. Theo đó, HS phải đủ năng lực học tiếp môn học mới để theo kịp tiến độ ở lớp học kế tiếp trong năm học sau…
[VIDEO] - Học sinh lớp 10 mong muốn học tập đúng môn tự chọn theo sở thích, khả năng của bản thân: