"Nuôi dạy con người tự chủ"

SONG ANH 25/12/2022 07:34

Như thế nào để là một con người trưởng thành? Làm cách nào để xây dựng một hệ thống giáo dục quốc dân với các tiêu chí công bằng, chất lượng? Đó là vấn đề đặt ra đối với những người trăn trở xây dựng một trường học hạnh phúc, một nền giáo dục hiện đại...

Tạo môi trường tốt để phát huy tính tự học là điều cần thiết để xây dựng một hệ thống giáo dục mở. Ảnh: Phương Thảo
Tạo môi trường tốt để phát huy tính tự học là điều cần thiết để xây dựng một hệ thống giáo dục mở. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Sự tự lập

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, TS.Vũ Ngọc Hoàng đã có những chia sẻ về công cuộc đổi mới giáo dục mà ông đang theo đuổi.

“Nuôi dạy một con người tự chủ” là điều mà ông Vũ Ngọc Hoàng bày tỏ xuyên suốt cuộc trò chuyện cùng những người làm giáo dục tại TP.Tam Kỳ. Một cuộc khoa học giáo dục sẽ thật sự thành công, nếu có những người học trò chủ động và người thầy biết cách khơi gợi, phát triển năng lực của học trò.

“Một con người trưởng thành là tự mình lớn lên. Không ai giúp được sự trưởng thành đó cả. Cả đời thì chỉ có tự thôi, nên chữ “tự” rất hay. Người khác chỉ là chất xúc tác để cho mình tự. Dạy ở đây là phải tác động vào sự tự lập của con người. Không thể áp đặt và đào tạo ra những khuôn hình giống nhau” - ông Vũ Ngọc Hoàng nói.

Cho rằng, người thầy cần giúp học sinh biết tự học, chuyển quá trình đào tạo sang tự đào tạo, có tư duy độc lập và bản lĩnh để bảo vệ các chân lý khoa học và chính kiến của mình, như vậy mới là con đường để nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành.

“Học sinh có thể khác thầy, khác sách, biết cách vượt thầy và vượt sách, chứ người thầy không phải là hình mẫu, thước đo và giới hạn để học sinh phải giống thầy, phấn đấu để gần bằng thầy.

Nếu vậy thì thế hệ sau sẽ không bằng thế hệ trước và cứ thế mà đứng đó hoặc thụt lùi. Người học cần biết hỏi thì mới là biết học. Biết hỏi cũng là biết dạy. Hỏi những câu hỏi gì là cả một ý tưởng, một dự định, một tư duy và phương pháp tiếp cận” - ông Vũ Ngọc Hoàng bày tỏ.

Phát triển giáo dục theo hướng mở

Người thầy trong thời đại mới, có những yêu cầu khắt khe và nghiêm cẩn hơn, tuy nhiên lại có nhiều thuận lợi khi tiếp cận với các ứng dụng công nghệ. Ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, thay vì chỉ thuần là người truyền thụ kiến thức cho học sinh, người thầy trở thành người giúp cho học sinh cách học để phát triển năng lực tự mình và tiếp tục tự học suốt đời, thông qua các thành tựu của thời đại số.

 

Không nên nhào nặn học sinh theo ý muốn, mà để những đứa trẻ lớn lên và trở thành chính chúng, với năng lực và nhận thức cao hơn, với cách bày tỏ chính kiến một cách hợp lý.

Tinh thần phản biện khoa học, tiếp thu có chọn lọc thông qua phản biện, không rập khuôn và luôn đổi mới, sáng tạo trong môi trường tri thức mở, khoa học mở, giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở... là yếu tố quan trọng phát huy được tính thực học, tự học, ở cả vị thế người thầy lẫn người học.

Ông Vũ Ngọc Hoàng cũng nêu quan điểm về yếu tố kinh doanh trong giáo dục.

“Giáo dục có một đặc điểm nghiêng về đầu tư công. Do đó không nên kinh doanh giáo dục. Vì sao? Nhiều câu chuyện của giáo dục không hạch toán trực tiếp được. Khi kinh doanh, buộc sẽ phải có lợi nhuận. Điều này đẻ ra sự không công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục với mọi vùng miền, mọi người dân.

Chúng ta hãy nhớ lại tinh thần Duy tân của cụ Phan Châu Trinh ngay trên đất Quảng, nơi nào phong trào Duy tân được tổ chức, nơi đó giáo dục được nhận thức như một tiêu chí văn minh của cộng đồng xã hội, người dân ý thức đó là quyền và nghĩa vụ của mình” - ông Vũ Ngọc Hoàng nói.

 Mới đây, từ Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, yêu cầu hình thành hệ thống giáo dục mở, thực hiện liên thông giữa các bậc học và trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội... đặt ra với các địa phương.

Tại Quảng Nam, điều kiện để có thể trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất của cả nước đã được nhận diện. Trong đó, xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện với các nhiệm vụ quan trọng, đề cao giá trị văn hóa, giáo dục được nêu rõ trong kế hoạch quán triệt Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

“Kế thừa truyền thống, Quảng Nam phải phát triển giáo dục đào tạo theo hướng mở, thực học và khai sáng, tự chủ đại học và tự do học thuật, phát triển văn hóa chiều sâu. Với tinh thần yêu nước và tinh thần duy tân đổi mới, với ý chí vượt khó của người xứ Quảng, tin rằng Quảng Nam sẽ làm được” - ông Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ.

SONG ANH