Rèn kỹ năng sống cho học sinh

THIÊN THU 16/12/2022 09:32

Bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng dạy học mũi nhọn, các trường học trên địa bàn tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm nhằm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Hoạt động trải nghiệm hấp dẫn tại Trường Mẫu giáo Hương Sen (Nông Sơn). Ảnh: T.T
Hoạt động trải nghiệm hấp dẫn tại Trường Mẫu giáo Hương Sen (Nông Sơn). Ảnh: T.T

Tại Trường Mẫu giáo Hương Sen (Nông Sơn), Sở GD-ĐT phối hợp với Phòng GD-ĐT Nông Sơn tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm số 3 với chủ đề “Bé làm gì khi gặp hỏa hoạn”.

Qua đó trang bị cho trẻ một số kỹ năng như kỹ năng thoát hiểm, gọi người lớn tới cứu, dùng tay che kín mũi miệng, bò thấp người để di chuyển nhanh ra lối thoát hiểm; rèn sự tự tin, bình tĩnh cho trẻ.

Cô Đặng Thị Yến - chuyên viên bậc học mầm non cho biết, buổi sinh hoạt đã tạo ra sân chơi bổ ích, các cháu được tham gia các trò chơi trải nghiệm như rung chuông vàng, mảnh ghép vui nhộn, ai thông minh hơn..., góp phần phát triển toàn diện cho trẻ mầm non.

Tại Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (xã Quế Lộc, Nông Sơn), nhà trường phát động cuộc thi thử thách làm phim “Một phút xanh”. Các em học sinh sẽ làm video có thời lượng một phút kể câu chuyện về tình trạng ô nhiễm môi trường của Việt Nam hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu, nguyên nhân và giải pháp.

Em Phan Anh Thư (lớp 9/1) hào hứng nói: “Tham gia cuộc thi giúp em có cơ hội thể hiện những ý tưởng đổi mới, thông điệp tích cực, sáng tạo, vui nhộn và biết các kỹ năng quay, dựng video trên điện thoại di động”.

Đinh kỳ 2 năm, Trường Tiểu học liên xã Chánh Công (xã Phước Chánh, Phước Sơn) tổ chức hội thi “Giao lưu tiếng Việt của chúng em”.

Thầy Nguyễn Vinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đối với từng nội dung thi, nhà trường mong muốn học sinh người dân tộc thiểu số phát triển và rèn luyện ngôn ngữ tiếng Việt. Ở phần thi kể chuyện, giúp học sinh phát triển các kỹ năng như kỹ năng trình bày, tư duy sáng tạo, diễn đạt cảm xúc và xử lý tình huống.

Ở nội dung thi trình bày ý tưởng ước mơ nhiều em đã nêu được ý tưởng sáng tạo độc đáo, mới lạ của mình và trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, một số em đã bộc lộ khả năng diễn đạt trôi chảy, mạch lạc thông qua ngôn ngữ tiếng Việt. Phần thi viết chữ đẹp, các em biết cách trình bày đoạn văn, đoạn thơ, viết đúng mẫu chữ, cỡ chữ quy định.

“Mục đích của hội thi nhằm khích lệ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt môn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.

Tham gia giao lưu chính là cơ hội cho trẻ học hỏi lẫn nhau, rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt một cách thông thạo, đồng thời làm phong phú thêm vốn kiến thức về tiếng Việt, kích thích sự hứng thú, say mê học tập môn tiếng Việt” - thầy Vinh nói.

THIÊN THU