Nông Sơn chăm lo sự nghiệp giáo dục
Huyện Nông Sơn phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục dựa trên tinh thần “Lấy học sinh làm trung tâm. Mỗi thầy cô là một tấm gương sáng về đạo đức và nỗ lực vượt khó để học sinh noi theo”.
Ngọn cờ đầu
Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu nằm nép mình ở một làng quê yên bình thuộc thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc (Nông Sơn). Đây là ngôi trường có bề dày truyền thống 45 năm hoạt động với nhiều thành tích đáng tự hào.
Năm nay, thầy và trò nhà trường vui mừng khi đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ trao tặng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Lần đầu tiên, một trường THCS của huyện Nông Sơn đạt được thành tích và vinh dự này.
Hiện nay, toàn huyện Nông Sơn có 14 trường học từ bậc mẫu giáo đến THPT với tổng số học sinh 4.748 em và 412 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Chất lượng giáo dục trong năm học 2021 - 2022 có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi trên 56%; học sinh yếu, kém giảm xuống so với năm học trước. Đặc biệt, số lượng học sinh giỏi tăng cao so với năm học trước, với 17 giải (2 giải Nhì, 3 giải Ba, 12 giải Khuyến khích). Đến nay toàn huyện có 7/13 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn quốc gia…
Cô Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu cho biết, trường tiếp nhận học sinh từ 2 xã Quế Lộc và Sơn Viên. Trường nằm ở vị trí địa lý, địa hình tương đối hiểm trở; vùng có thời tiết thất thường, thường xuyên xảy ra bão lũ, ngập lụt vào mùa mưa; đa số người dân sống bằng nghề nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn...
Tuy nhiên, với sự cố gắng, vượt khó của thầy và trò, năm học 2021 - 2022 đánh dấu những tiến bộ vượt bậc của nhà trường trong công tác giáo dục. So với năm học 2020 - 2021, số lượng và chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2021 - 2022 tăng gấp đôi với 8 giải, gồm 1 giải Ba tập thể về hội thi OTE và 7 giải cá nhân học sinh giỏi các môn lớp 9 (1 giải Nhì, 2 giải Ba, 4 giải Khuyến khích).
Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS đạt 100%; đỗ vào lớp 10 THPT đạt 90,19% (tăng 24,49% so với năm học 2020 – 2021), trong đó có 4 học sinh đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông.
Cô Hạnh cho biết, ngay từ đầu năm học 2021 - 2022, nhà trường đã quyết tâm thực hiện điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá của giáo viên với học sinh.
“Lấy học sinh làm trung tâm, vừa đổi mới phương pháp dạy học, đồng thời điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện, tình thương, trách nhiệm. Đó là thông điệp chúng tôi gửi đến Hội đồng Sư phạm nhà trường từ đầu năm” - cô Hạnh chia sẻ. .
Nhờ làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội nên năm học 2021 - 2022 Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu không có học sinh bỏ học. Cũng từ năm học này, 6 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được nhà trường kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng mỗi tháng 500 nghìn đồng/em.
Qua đó chia sẻ khó khăn với gia đình và động viên các em tiếp tục đến trường... Với những cố gắng đó, nhà trường được đoàn đánh giá của Sở GD-ĐT về kiểm tra, công nhận trường đạt kiểm định chất lượng ở mức độ 3 và chuẩn quốc gia ở mức 2.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, với sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành, diện mạo của ngành GD-ĐT Nông Sơn đã dần phát triển theo chiều hướng tích cực, đạt được những thành tích đáng trân trọng và tự hào.
Bà Thủy cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục, huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục kết hợp lồng ghép với xây dựng trường học hạnh phúc.
Huyện chỉ đạo các trường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào giảng dạy, quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng cao trách nhiệm mỗi giáo viên, mỗi lãnh đạo với tinh thần “Mỗi thầy cô là một tấm gương sáng về đạo đức và nỗ lực vượt khó để học sinh noi theo”, kết hợp vừa dạy chữ vừa dạy người, chú trọng giáo dục đạo đức làm nền tảng.
Liên quan đến đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, bà Thủy cho biết, hiện nay ngân sách tỉnh không hỗ trợ cho huyện kinh phí sửa chữa trường lớp hàng năm nên huyện phải lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới, giảm nghèo, vốn sự nghiệp để đầu tư... nhưng vẫn không đủ theo yêu cầu mới. Do đó, huyện mong tỉnh hàng năm cân đối, bố trí cho Nông Sơn 20 tỷ đồng/năm trong việc xây mới vừa sửa chữa trường học.
Để sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh, bền vững, đạt kết quả cao thì cần phải có sự quan tâm, đầu tư toàn diện, đồng bộ, liên tục và sự phối hợp, hỗ trợ tốt của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và nhân dân.