Phát triển văn hóa đọc trong học đường

KHẢI KHIÊM 17/11/2022 08:20

Ngành GD-ĐT huyện Đại Lộc chú trọng xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong học sinh cấp mầm non, tiểu học và THCS.

Tiết đọc sách tại “Thư viện thân thiện” của Trường Tiểu học Đại Quang. Ảnh: K.K
Tiết đọc sách tại “Thư viện thân thiện” của Trường Tiểu học Đại Quang. Ảnh: K.K

Giờ ra chơi, em Đoàn Trúc Lan (học sinh lớp 5D của Trường Tiểu học Đại Quang) lại đến “Thư viện thân thiện” nhà trường để đọc sách. Đối với Trúc Lan, việc vào thư viện đã trở thành thói quen, bởi em cảm thấy vui thích khi xem những câu chuyện hay, kiến thức bổ ích. Do thời gian ở trường có hạn, em mượn sách, truyện mang về nhà để đọc, được ba mẹ mua thêm sách để “bổ sung” cho góc học tập của mình.

Trúc Lan kể: “Ban đầu, nhiều bạn không mấy quan tâm đến việc đọc sách. Dần dần, những bạn này nhận ra lợi ích nên hứng thú, thường xuyên vào thư viện để đọc”.

Theo cô Nguyễn Thị Phương Trinh - nhân viên phụ trách thư viện Trường Tiểu học Đại Quang, các em tự động vào “Thư viện thân thiện” có phòng rộng, đảm bảo ánh sáng và thoáng mát để lấy sách theo mã màu đã hướng dẫn nhằm phù hợp với lứa tuổi và có thể đọc tại chỗ. Mỗi tháng, học sinh các khối lớp 1, 2 và 3 sẽ có 2 tiết đọc tại thư viện này, giống một tiết học bình thường.

Với khối lớp 4 và 5, tiết sinh hoạt lớp sẽ dành cho tiết đọc tại lớp. Giờ ra chơi, học sinh các khối lớp có thể vào thư viện để đọc, chơi cờ vua, vẽ tranh. Nhà trường còn tuyên truyền dưới cờ về lợi ích của đọc sách, tổ chức thi kể chuyện theo sách, “Ngày hội sách”…

Cô giáo và học sinh cùng trang trí “Góc thư viện của bé“. Ảnh: PTL
Cô giáo và học sinh cùng trang trí “Góc thư viện của bé“. Ảnh: PTL

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, năm 2019, Trường Tiểu học Trần Tống (nay là Đại Quang) đăng ký xây dựng “Thư viện thân thiện” theo mô hình của tổ chức Room to Read.

Trên cơ sở đó, huyện hỗ trợ nhà trường xây dựng phòng đọc rộng 56m2 với kinh phí 400 triệu đồng; tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa để mua sách thiếu nhi, các thiết bị và trang trí theo mô hình này.

Sở GD-ĐT cùng Room to Read mở các lớp tập huấn thiết lập, quản lý hoạt động thư viện thân thiện, tiết đọc thư viện; phân loại sách theo mã màu, trang trí, sắp xếp thiết bị…

Nhận thấy sự phù hợp và hiệu quả từ “Thư viện thân thiện”, phòng đã hỗ trợ các trường thông qua tổ chức tập huấn thiết lập thư viện, tập huấn tiết đọc thư viện.

Phòng còn phối hợp tổ chức “Ngày hội sách” với nhiều phần thi hấp dẫn, “khơi mạch” văn hóa đọc nơi giáo viên, học sinh.

Trong các trường tiểu học, Đại Lộc có 8 trường đạt “Thư viện xuất sắc”, còn lại là “Thư viện tiên tiến”. Cấp THCS, toàn bộ các trường đều có “Thư viện tiên tiến”.

Với cấp mầm non, 19/19 trường mầm non công lập bố trí “Góc thư viện của bé” để các cháu có điều kiện làm quen với sách, tranh truyện. Có trường còn tổ chức hội thi “Thư viện tuổi thơ”, rèn cháu cách cầm sách, mở sách, kể chuyện theo tranh...

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, UBND huyện đã ban hành kế hoạch phát triển văn hóa đọc cho học sinh giai đoạn 2022 - 2025.

Đại Lộc phấn đấu 100% trường đều có tối thiểu 1 thư viện; 100% phòng đọc học sinh có không gian thân thiện, trang bị thiết bị tiện nghi và lôi cuốn người đọc theo mô hình phù hợp từng cấp học.

Đặc biệt, 100% trường tiểu học, THCS hoàn thành xây dựng “Thư viện lớp học”; tổ chức tốt “Ngày sách Việt Nam” và các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho học sinh…

KHẢI KHIÊM