Trường Phổ thông dân tộc nội trú Quảng Nam: Chờ sự đầu tư xứng tầm
Sau chặng đường 37 năm, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh - ngôi trường dành con em đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (đóng chân tại TP.Hội An) - cần được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn mới.
Nhiều hạng mục xuống cấp
Trường Phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh được thành lập năm 1985 với mục tiêu đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số phục vụ nhu cầu phát triển miền núi của tỉnh. Đã 37 năm trôi qua, công tác quản lý, bảo dưỡng của nhà trường được đánh giá khá tốt, song nhiều hạng mục đến nay không còn khả năng chống chọi với thời gian.
Đưa chúng tôi đi thăm dãy nhà học, khu nội trú, thầy Hiệu trưởng Lê Đức Sơn cho biết, các hạng mục được xây dựng từ khi trường mới thành lập, nghĩa là đã có tuổi đời hơn 30 năm, như khu nhà học xây dựng từ năm 1990, khu nội trú xây dựng năm 1988.
Thời gian qua, nhà trường đã đôi lần xin cấp trên cho tổ chức sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất. Song đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết trước mắt cho các hoạt động dạy học, ăn ở nội trú của học trò chứ không thể ngăn được sự xuống cấp nặng. Nay các hạng mục đã đến thời điểm hư hỏng không thể sửa chữa được nữa. Để đảm bảo yêu cầu dạy và học, cần thiết phải được đầu tư xây dựng mới.
Trường Phổ thông DTNT tỉnh hiện có quy mô 15 lớp với 500 HS, với 70 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Qua 37 năm xây dựng và phát triển, đã có hơn 3.000 HS tốt nghiệp THPT, trong đó có hơn 82% học tiếp lên đại học, cao đẳng. Phần lớn cán bộ chủ chốt hiện công tác trong hệ thống chính trị ở các địa phương miền núi của tỉnh là cựu HS của nhà trường. Trường Phổ thông DTNT tỉnh là trường THPT đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia (năm 2012), nằm ở tốp đầu cả tỉnh về chất lượng giáo dục. Trường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Ba.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, sau gần 40 năm, cơ sở vật chất của Trường Phổ thông DTNT tỉnh giờ đây vừa cũ kỹ lạc hậu, vừa xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho học sinh (HS) và đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của một trường THPT chuyên biệt, nhất là trường chuẩn quốc gia.
Phòng học nhỏ, chỉ có một cửa đi, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Khu nội trú của HS xuống cấp nặng, rất nguy hiểm khi trời mưa gió. Cũng vì vậy mà trường đạt chuẩn quốc gia năm 2012, theo quy định sau 5 năm phải kiểm tra, đánh giá lại, nhưng đến nay vẫn chưa thể tổ chức kiểm tra công nhận trở lại vì cơ sở vật chất không đáp ứng.
Trước nhu cầu bức thiết đó, năm 2020 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khi đến kiểm tra cơ sở vật chất của trường đã thống nhất chủ trương và giao trách nhiệm cho Sở GD-ĐT phối hợp với Sở KH-ĐT đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư xây dựng, tạo bộ mặt khang trang cho nhà trường.
Sẽ có “bộ mặt” mới
Trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường cho biết, cần thiết và cấp bách đầu tư Trường Phổ thông DTNT tỉnh, bởi trường thành lập năm 1985 và cơ sở vật chất được xây dựng qua nhiều giai đoạn nên đã xuống cấp.
Tại Kỳ họp thứ 11 vừa qua, HĐND tỉnh đã thống nhất với tờ trình của UBND tỉnh về quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Trường Phổ thông DTNT tỉnh, mục tiêu tăng cường cơ sở vật chất để trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo yêu cầu dạy và học, thời gian thực hiện giai đoạn 2023 - 2025.
Dự án có tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng, gồm: xây mới khối nhà lớp học, thư viện, bộ môn, nhà 3 tầng tổng diện tích sàn hơn 3.000m2; xây mới khối nội trú 2 tầng diện tích sàn 684m2; sửa chữa, cải tạo nhà đa năng, các khu nội trú HS (khu A, B, C), một số hạng mục khác như khu giáo dục thể chất, tường rào, hệ thống thoát nước, phòng cháy chữa cháy.
Như vậy, trong thời gian tới Trường Phổ thông DTNT tỉnh sẽ có “bộ mặt” mới, góp phần giúp cho học trò có chỗ học tập khang trang, nơi ăn chốn ở sạch đẹp. Đây cũng là điều kiện cần thiết để ngành GD-ĐT nói chung, nhà trường nói riêng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời tiếp tục tham mưu cho tỉnh đầu tư, nâng cấp trở thành trường trọng điểm, mũi nhọn dành cho HS người đồng bào dân tộc thiểu số giống như hai ngôi trường THPT chuyên của tỉnh.