Phấn đấu bình quân mỗi năm tuyển sinh 24 nghìn chỉ tiêu giáo dục nghề nghiệp

NAM PHƯƠNG 25/10/2022 15:54

(QNO) - Ngày 14/10/2022, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết 50 về phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp được thực hiện đồng bộ từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục. Ảnh: N.P
Phát triển giáo dục nghề nghiệp được thực hiện đồng bộ từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đến tư thục. Ảnh: N.P

Mục tiêu tổng quát của nghị quyết là phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động (trong và ngoài nước) của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam và đất nước.

Việc phát triển giáo dục nghề nghiệp được thực hiện đồng bộ từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đến cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục; từng bước bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chất lượng đào tạo của một số trường thuộc tỉnh tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và cấp quốc gia.

Đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 70-75%; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% vào năm 2025.

Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ thực hiện 8 mục tiêu cơ bản về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Bao gồm: phấn đấu tổng chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp bình quân trong giai đoạn 2022 - 2025 đạt 24 nghìn người/năm; trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng 4.000 người/năm, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 20 nghìn người/năm.

Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS học tiếp trình độ trung cấp đạt từ 55% trở lên trong tổng số học sinh thuộc diện phân luồng; tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập trình độ cao đẳng đạt từ 15% trở lên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tập trung đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của 9 huyện miền núi của tỉnh đạt 50%.

Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản đạt 70%. Phấn đấu 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và 50% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại. Khoảng 80% ngành nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.

Phấn đấu 1 trường cao đẳng đạt chuẩn chất lượng cao; 1 trường cao đẳng hoàn thành các tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị theo tiêu chí trường chất lượng cao; triển khai khoảng 24 ngành nghề trọng điểm...

NAM PHƯƠNG