Bắc Trà My đưa sinh hoạt cồng chiêng vào trường học
Tại huyện Bắc Trà My, sinh hoạt cồng chiêng đã được đưa vào trường học trong những năm qua, tạo nên sân chơi bổ ích cho học sinh.
Trong những ngày diễn ra Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My - năm 2022, hoạt động tập luyện của đội cồng chiêng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Trà Bui) tại khu vực nhà truyền thống Ca Dong đã gây sự tò mò, thích thú cho nhiều du khách. Đây là đơn vị đã giành giải Nhất cuộc thi “Trình diễn cồng chiêng - Tiếp nối truyền thống” tại lễ hội văn hóa năm nay.
Năm 2019, Trường PTDTBT THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm thành lập câu lạc bộ cồng chiêng. Vào mỗi tối thứ Năm hằng tuần, các em lại tập trung sinh hoạt cồng chiêng, rộn ràng cả một góc sân trường. Nhà trường hiện có hơn 650 học sinh tham gia sinh hoạt cồng chiêng.
Nam thì biết đánh cồng, đánh chiêng, đánh trống, nữ thì nhuần nhuyễn những nhịp điệu truyền thống của dân tộc mình. Các em rất háo hức tham gia những buổi sinh hoạt cồng chiêng để được vui chơi giải trí và cảm nhận giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Em Nguyễn Thị Thu Hằng (người đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong) bày tỏ: “Theo ba mẹ đi hội làng từ nhỏ, em nhìn ông bà, cô chú nhảy thích lắm nên tự tập theo. Khi đến trường, được thầy cô, các nghệ nhân chỉ dẫn thực hiện các động tác sao cho đúng. Mỗi tuần được sinh hoạt cồng chiêng một lần, em lại có dịp tập luyện cồng chiêng cùng các bạn học”.
Những ngày diễn ra Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My - năm 2022, cô giáo Hồ Thị Thanh (Trường PTDTBT THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) miệt mài hướng dẫn học sinh trong lớp tập luyện điệu nhảy giao lưu kết hợp cùng chiêng, trống.
Cô Thanh tâm sự: “Ca Dong chỉ có hai điệu nhảy chính là Ra nhóc và Ta mốp. Vốn là người dân tộc Co, khi thấy các em nhảy điệu Ca Dong, mình đã nảy ra ý tưởng kết hợp thêm điệu nhảy Say rượu của dân tộc mình, biên thành một bài hoàn chỉnh để các em biểu diễn trên đường phố Bắc Trà My trong dịp lễ hội”.
Theo cô giáo Thanh, để có những buổi sinh hoạt cồng chiêng sôi nổi, cô luôn nhắc nhở học sinh nam phải vừa nhảy vừa đánh chiêng đánh trống cho thật vang, thì học sinh nữ mới bắt được nhịp hòa theo. Nếu không có tiếng chiêng trống thiêng liêng, rộn ràng, cái hồn cốt của điệu nhảy cũng chẳng còn.
Ông Vũ Hoàng Tâm - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện và Phòng GD-ĐT Bắc Trà My, trường đã thành lập câu lạc bộ cồng chiêng cho các em học sinh Ca Dong và Mơ Nông.
Để có thể bảo tồn những nét riêng trong sinh hoạt cồng chiêng của từng dân tộc, chúng tôi thường chia các em sinh hoạt cồng chiêng theo tộc người, tránh việc pha trộn, hòa tan. Mỗi năm, trường cũng mời những nghệ nhân có tiếng về hướng dẫn thêm để các em thực hiện đúng động tác và tinh thần của điệu nhảy”.
Hằng năm, vào mùa tựu trường hay bế giảng, các tiết mục múa cồng chiêng được chọn để biểu diễn chào mừng. Sinh hoạt cồng chiêng tại trường học dần trở thành nét văn hóa đặc trưng của học sinh miền núi, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống của học sinh.