Ngành giáo dục Đại Lộc nỗ lực chuyển đổi số
Ngành giáo dục Đại Lộc đã và đang nỗ lực với lộ trình ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, quản lý nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Quyết liệt, đồng bộ
Phòng GD-ĐT Đại Lộc cho biết, tất cả trường học thuộc 3 cấp tiểu học (TH), THCS, TH&THCS trong huyện đã triển khai sử dụng hệ thống E-Learning kết hợp với dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến; đồng thời sử dụng các phần mềm phục vụ quản lý, giảng dạy trong trường học.
Các trường cũng đẩy mạnh khai thác tính năng ứng dụng và đồng bộ tính năng hệ sinh thái trên hệ thống vnEdu như: phần mềm “Quản lý hồ sơ điện tử”, học bạ điện tử, sử dụng chữ ký số điện tử trong tất cả văn bản, hồ sơ chuyên môn của nhà trường, tổ chuyên môn, tổ văn phòng và giáo viên.
Việc triển khai ứng dụng vnEdu teacher và vnEdu connect, phần mềm học và thi trực tuyến phục vụ giảng dạy, thi cử được chú trọng. Nhiều trường học đã ứng dụng tốt phần mềm quản lý thu phí, thanh toán học phí trực tuyến không dùng tiền mặt qua ứng dụng vnEdu connect, App smart Quảng Nam...
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho hay, đơn vị đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, điều hành, kết nối thông tin với cơ sở và với Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT. Toàn ngành đã ứng dụng hệ thống văn phòng trực tuyến, hệ thống Q-office điều hành tác nghiệp.
Phòng cũng chỉ đạo các trường học triển khai thực hiện quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục đào tạo cấp huyện, cấp xã được áp dụng tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện.
Công bố và đăng tải 36 bộ thủ tục hành chính lĩnh vực GD-ĐT lên webstite của nhà trường để các tổ chức, cá nhân và cha mẹ học sinh được rõ, nhằm thuận tiện trong việc tra cứu, tìm kiếm, giải quyết công việc và công khai, minh bạch trong quá trình xử lý công việc.
Theo bà Vân, ngành giáo dục đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hướng dẫn áp dụng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ “http://www.dichvucong.quangnam.gov.vn”...
Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành GD-ĐT huyện đã ứng dụng cả nghìn văn bản đi, đến của cơ quan, đơn vị, địa phương, ứng dụng gần 500 chữ ký số của lãnh đạo và cơ quan trên hệ thống.
Hiện, tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý đúng quy trình, tổng số văn bản điện tử đi ban hành trên hệ thống ngành GD-ĐT huyện đạt 80; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng dịch vụ công đạt 47%...
Trường học nỗ lực số hóa
Trường THCS Trần Hưng Đạo hiện đã trang bị đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và phục vụ các phòng chức năng.
Ông Phan Văn Bình - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, toàn bộ nhân viên, giáo viên nhà trường đã được trang bị máy tính xác tay để làm việc và đều thực hiện qua môi trường mạng, đảm bảo thông tin hai chiều, đáp ứng yêu cầu của Phòng GD-ĐT trong xử lý, giải quyết hồ sơ.
Trường cũng đẩy mạnh số hóa hồ sơ hoạt động giáo dục, sổ điểm và chữ ký điện tử. Ký hợp đồng mua các phần mềm của VNPT về sổ điểm điện tử, chữ ký số để triển khai học bạ điện tử, hồ sơ điện tử, giảm chi phí in ấn cho giáo viên, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh thuận lợi, công tác chuyển đổi số trong nhà trường vẫn còn đối diện khó khăn như đường truyền mạng còn yếu, các website của mạng giáo dục còn yếu, kinh phí cho đầu tư công nghệ thông tin rất lớn, thiết bị hay bị hư hỏng...
“Nhà trường sẽ tích cực chỉ đạo sử dụng, hoàn thiện các chương trình, phần mềm phục vụ cho lộ trình số hóa. Tăng cường sử dụng phần mềm quản lý thu phí, thanh toán học phí online, đăng ký tuyển sinh qua vnEdu Connect, App Smart Quảng Nam… Hướng tới xóa bỏ hồ sơ giấy, sử dụng hồ sơ điện tử, nâng cấp website của nhà trường, đào tạo và bồi dưỡng kỹ thuật, công nghệ số cho cán bộ, giáo viên” - ông Bình chia sẻ.
Theo nhiều giáo viên nhà trường, trải qua các đợt tập huấn do VNPT triển khai, phần lớn giáo viên đã thành thạo với dạy, họp, điều hành công việc trực tuyến, liên lạc với phụ huynh và học sinh trực tuyến. Giáo viên cũng thành thạo trong việc áp dụng các phần mềm về chữ ký số, học bạ điện tử, hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử...
Theo thầy giáo Lê Văn Một, việc ứng dụng các phần mềm đã giúp giảm bớt hồ sơ giấy, giảm thời gian thực hiện nhiệm vụ của giáo viên, tiến độ công việc triển khai nhanh hơn.
“Ngày trước, việc ký học bạ giấy hay vào sổ điểm mất nhiều thời gian, có thể nhầm lẫn, khó hiệu chỉnh nhưng bây giờ việc vào điểm minh bạch hơn, nhanh hơn. Sổ điểm điện tử cũng giúp cho việc thông tin hai chiều giữa phụ huynh và nhà trường kịp thời và phụ huynh cũng nắm được việc học hành của con cái...” - thầy Một chia sẻ.