Cùng cháu con đến trường
Gần hai năm nay, sự xuất hiện của các bậc phụ huynh người Ca Dong, Xê Đăng đã trở nên quen thuộc với thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My). Không chỉ giúp trường trong việc quản lý con cháu, họ còn “học” được nhiều điều từ thầy cô giáo.
Từ năm học 2020 - 2021, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam đã xóa bỏ điểm trường lẻ ở 4 thôn, tập trung học sinh về học điểm trường chính tại xã. Điều này vừa giúp học sinh tiếp cận với môi trường học tập tốt hơn, vừa nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tuy nhiên, cái khó là các điểm thôn xa, phải đi bộ hàng giờ đồng hồ mới đến trường. Trước thực tế đó, nhà trường đã vận động phụ huynh đưa con em đến trường vào chiều Chủ nhật, ở lại tại trường và đón con về vào chiều thứ Sáu hàng tuần.
Vừa thả cái gùi mang theo vài quả bí, mớ rau rừng xuống đất, bà Hồ Thị Diễm năm nay 70 tuổi vui vẻ nói: “Mình đi bộ từ nóc Loan Mu đến trường là gần 5 giờ đồng hồ, mấy đứa cháu thích đi học, nên tuần nào mình cũng phụ trách đưa chúng đến trường”.
Tiếp lời bà Diễm, bà Hồ Thị Bốn (60 tuổi) có hai cháu đang học lớp 2 và 3 của trường, cho biết: “Từ nhà đến trường là hơn 20km, nên tuần nào đưa cháu đến đây mình cũng ở lại phụ giúp các cô nấu ăn rửa chén bát, rồi lau chùi vệ sinh bàn ăn, phòng ăn của các cháu. Ở đây, những ông bà như chúng tôi cũng được ăn no, rồi được bố trí phòng ngủ nữa”.
Chị Lê Thị Yến có con đang học lớp 1 tại trường cho biết: “Chúng tôi còn được các thầy cô hướng dẫn cách vệ sinh nhà cửa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng cây, rồi việc nuôi dạy con cái, xây dựng cuộc sống gia đình”.
Thầy giáo Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có 323 học sinh, trong đó có đến 184 em khối tiểu học. Trước đây, phụ huynh thường đưa con đến trường, rồi làm nhà chòi ở bên cạnh trường, rất khó khăn cho việc ăn uống, sinh hoạt cũng như quản lý con em mình.
Từ năm học 2020 - 2021, Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định đưa tất cả phụ huynh vào ở tại khu nội trú. Tuần nào cũng dao động từ 10 - 12 phụ huynh, họ cùng ăn, cùng ở và cùng giúp nhà trường trong việc quản lý học sinh. Trường được định suất 5 cấp dưỡng, việc nấu ăn phục vụ cho học sinh toàn trường ngày 3 bữa là rất khó khăn. Có thêm sự giúp đỡ của các phụ huynh, bữa ăn của các em đúng giờ và ngon hơn.
“Từ khi triển khai mô hình nuôi ăn ở cho phụ huynh, số lượng học sinh ra lớp luôn đạt 100%, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường cũng không ngừng nâng lên. Ngoài ra, việc có phụ huynh đi cùng các em đến trường cũng mang lại sự yên tâm mỗi khi mùa mưa bão, hay tình trạng sạt lở núi gây ra” - thầy Võ Đăng Chín nói.
Ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My cho biết: “Với một huyện có địa hình giao thông đi lại cách trở, mô hình nuôi ăn ở cho phụ huynh như cách làm của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam được coi là phù hợp.
Qua đó góp phần nâng dần chất lượng giáo dục ở miền núi, đồng thời hướng dẫn thêm nhiều kiến thức, kỹ năng sống, phòng bệnh cho phụ huynh học sinh... Phòng GD-ĐT huyện sẽ tiến hành cho các đơn vị trường có điều kiện tương đồng, nghiên cứu học tập và nhân rộng mô hình này”.