Trường học xoay xở thích ứng với Covid-19

Nhóm PV 10/02/2022 14:21

(QNO) - Bắt đầu trở lại trường lớp sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, Quảng Nam liên tiếp ghi nhận F0 tại trường học. Ngành giáo dục đang cố gắng thích ứng, linh hoạt xử trí để công tác dạy và học diễn ra suôn sẻ.

Việc dạy học được đảm bảo 5K trong các lớp học trực tiếp. Ảnh: NHÓM PV
Việc dạy học trực tiếp đảm bảo nguyên tắc 5K. Ảnh: Nhóm PV

Xáo trộn hoạt động trường lớp

Sáng qua 9.2, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP.Tam Kỳ) phải tổ chức test nhanh cho tất cả giáo viên (GV), nhân viên và một số học sinh (HS) khi trường phát hiện có 9 F0 (3 GV và 6 HS). Để đảm bảo an toàn, nhà trường cho HS tạm nghỉ học đến 13.2.

“Số ca dương tính tại trường tăng khiến nhà trường và phụ huynh khá lo lắng. Trước đó, trường khuyến cáo phụ huynh chủ động test nhanh cho con em trước khi quay trở lại học tập sau tết nhưng không nhiều phụ huynh ủng hộ” - thầy Phạm Văn Diệu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết.

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP.Tam Kỳ) tổ chức xét nghiệm sàng lọc vào sáng ngày 9.2. Ảnh: NHÓM PV
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP.Tam Kỳ) tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho GV vào sáng 9.2. Ảnh: Nhóm PV

Chị Phan Hoài Nhân - phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thì bối rối khi chưa biết chăm sóc con ra sao trong những ngày tới. “Hiện con tôi nghỉ học ở nhà, hai vợ chồng đều đi làm cả ngày nên không an tâm khi cháu ở nhà một mình. Nhiều phụ huynh khác cũng chật vật tìm cách gửi con cái để đi làm” - chị Nhân nói.

Theo ông Trần Văn Hà - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, đến trưa 9.2 đã phát hiện 169 ca dương tính ở hầu hết trường học trên địa bàn thành phố. Đến trường sau tết, 65% cán bộ, GV, nhân viên được test nhanh (chủ yếu do cá nhân tự test); hơn 50% HS được phụ huynh tự test hoặc phối hợp nhà trường tổ chức test tập trung.

Các học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn. Ảnh: NHÓM PV
HS Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được nghỉ học để đảm bảo an toàn. Ảnh: Nhóm PV

Quảng Nam hiện có 305 GV và 1.363 HS mắc Covid-19, nhiều nhất tại Thăng Bình (55 GV, 231 HS), Đại Lộc (24 GV, 138 HS), Điện Bàn (19 GV, 135 HS), Duy Xuyên (25 GV, 121 HS)...

Tại Điện Bàn, Trường Tiểu học Kim Đồng (phường Vĩnh Điện) tiếp tục cho HS học trực tuyến sau tết, nguyên nhân là trường có 1 GV và 7 HS dương tính. Theo cô Hiệu trưởng Trần Phương Trâm, đây là cách duy nhất để đảm bảo an toàn cho HS và GV trước tình hình dịch bệnh phức tạp sau tết.

Còn tại Thăng Bình đang có 55 GV và 231 HS mắc Covid-19 (cao nhất toàn tỉnh) khiến công tác dạy và học hết sức khó khăn. Trường THCS Nguyễn Hiền (xã Bình Đào), Trường Tiểu học Đoàn Bường (xã Bình Triều)... ghi nhận ca nhiễm nên đang triển khai phun khử khuẩn phòng học, khuôn viên trường để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Các học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn. Ảnh: NHÓM PV
Trường Tiểu học Đoàn Bường (Thăng Bình) tạm đóng cửa vì dịch Covid-19. Ảnh: Nhóm PV

Linh hoạt xử trí

Cô Lê Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (xã Tam Phước, Phú Ninh) cho biết, qua test sàng lọc ngày 7 và 8.2, trường phát hiện 2 F0 là HS và GV; một số GV, nhân viên trở thành F1. Công tác cách ly được thực hiện đúng quy định.

“Chúng tôi điều hành, quản lý trực tuyến và linh hoạt dạy lớp có HS dương tính cũng bằng hình thức trực tuyến. Nhờ vậy, đến nay dù khá vất vả nhưng chúng tôi không để các em bị gián đoạn việc học. Cùng với đó, ngoài thực hiện theo các hướng dẫn của ngành cấp trên, trường tổ chức dạy học 1 buổi không bán trú tại 2 cơ sở” - cô Lê Thị Thủy nói.

Các nhà trường phải thích ứng linh hoạt bằng nhiều biện pháp nhằm giúp học sinh thuận lợi đến lớp. Ảnh: NHÓM PV
Trường học thích ứng linh hoạt giúp HS thuận lợi đến lớp. Ảnh: Nhóm PV

Trên địa bàn Tam Kỳ, HS là F1, F0 được cách ly, điều trị tại nhà sẽ được GV dạy trực tuyến, giao bài tập, hướng dẫn ôn tập. Đối với GV mắc Covid-19, những trường có GV thay thế sẽ hỗ trợ đứng lớp; đối với trường không có GV thay thế thì các GV F0 điều trị tại nhà thể nhẹ sẽ dạy trực tuyến vào buổi tối cho HS.

“Đối với khối tiểu học, bám sát chương trình rút gọn của Bộ GD-ĐT, tuần trước tết và sau tết chỉ dành để ôn tập, củng cố kiến thức, bắt đầu từ 14.2 học chương trình mới. Đây là phương án chủ động của ngành giáo dục, giúp HS bám sát được chương trình, đảm bảo kế hoạch dạy và học. Riêng khối trung học thì học trực tiếp ngay từ 7.2, nếu tình hình phức tạp hơn thì chuyển sang học trực tuyến” - ông Trần Văn Hà - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho biết.

[CLIP] - Trường học thích ứng an toàn trong tình hình mới:

Còn theo ông Phan Văn Tuyển - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thăng Bình, hiện nay phần lớn các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn vẫn duy trì học trực tiếp. Riêng các trường xuất hiện F0 thì linh động chuyển sang dạy học trực tuyến, phù hợp với tình hình dịch bệnh theo Hướng dẫn số 18 của Sở GD-ĐT.

Lường trước được tình hình này nên trước tết Sở GD-ĐT đã có hướng dẫn về quản lý hoạt động chuyên môn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong ngành giáo dục (Hướng dẫn số 18). Đến ngày 21.1, ngành tiếp tục có công văn đôn đốc phòng GD-ĐT, trường học thực hiện công tác này với mục tiêu không để dịch lây lan rộng trong trường học và đảm bảo hoàn thành chương trình năm học 2021 - 2022 theo kế hoạch.

Các trường siết chặt công tác phòng, chống dịch tại trường học, đảm bảo 5K khi dạy học. Ảnh: NHÓM PV
Siết chặt công tác phòng dịch tại trường học. Ảnh: Nhóm PV

Theo đó, Sở GD-ĐT đưa ra 3 kịch bản với các cấp độ vùng xanh - vàng, vùng cam và vùng đỏ, hướng dẫn phòng GD-ĐT, cơ sở GD-ĐT áp dụng. Trong đó, ưu tiên dạy học trực tiếp cho các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 nếu trong điều kiện cho phép. Riêng trường học thuộc vùng đỏ sẽ chuyển hoàn toàn sang dạy trực tuyến; hoặc giao bài tập và hướng dẫn học sinh làm bài ở các vùng khó khăn không thể dạy trực tuyến.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, đến nay Quảng Nam có 98% HS cấp THPT, 96% HS cấp THCS đã tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đã ban hành, sở yêu cầu các trường chủ động, linh hoạt để việc dạy và học luôn được tổ chức tốt, đảm bảo phải hoàn thành chương trình học tập cho HS, nhất là khối lớp cuối cấp.

Tiêm vắc xin cho học sinh là một biện pháp hữu hiệu bảo vệ học sinh và công tác dạy và học được đảm bảo trong tình hình mới. Ảnh: NHÓM PV
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu bảo vệ HS, đảm bảo dạy học trong tình hình mới. Ảnh: Nhóm PV

“Chúng tôi rất mong phụ huynh chia sẻ với ngành giáo dục về các khó khăn, bất cập do dịch Covid-19 gây ra. Chủ động phối hợp với nhà trường sắp xếp việc riêng, chăm sóc con em tốt trong khoảng thời gian không thể đến trường” - ông Thái Viết Tường nói.

Nhóm PV