Về ý tưởng xây dựng đô thị đại học ở Quảng Nam

VŨ NGỌC HOÀNG 02/02/2022 08:01

(Xuân Nhâm Dần) - LTS: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã từng làm việc với các ngành và địa phương liên quan về quy hoạch xây dựng dự án Khu đô thị đại học quốc tế tại huyện Phú Ninh.Báo Quảng Nam giới thiệu bài viết của TS. Vũ Ngọc Hoàng - thêm góc nhìn về sự cần thiết xây dựng Khu đô thị đại học tại Quảng Nam.

Huyện Phú Ninh là địa phương được chọn khảo sát địa điểm quy hoạch xây dựng dự án Khu đô thị đại học quốc tế tại Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Huyện Phú Ninh là địa phương được chọn khảo sát địa điểm quy hoạch xây dựng dự án Khu đô thị đại học quốc tế tại Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Xây dựng đô thị đại học để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học là điều cần nghĩ đến. Mô hình đô thị đại học đã từng thành công từ khá lâu tại một số nước tiên tiến, như ở Boston của Mỹ, Cambridge của Anh… Singapore cũng đã phát triển thành công một số trường đại học bắt đầu từ việc tổ chức tốt liên kết, hợp tác với các trường danh tiếng của nước ngoài, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết với các nước trong khu vực.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, dự án Khu đô thị đại học quốc tế có ý nghĩa vô cùng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam nói riêng và mang tầm quan trọng đối với quốc gia nói chung. Tuy nhiên, Quảng Nam vẫn phải chờ vì dự án này thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Ở Việt Nam trong vòng 30 năm qua cũng đã có không ít ý tưởng và đề án được các nhóm trí thức, chuyên gia trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài đề xuất về việc thành lập các trường đại học “chất lượng cao, đẳng cấp, xuất sắc, hoa tiêu…”.

Vài trường đại học trong nước cũng đã có một số tiến bộ, được các tổ chức quốc tế xếp hạng tăng bậc, vào tốp 400 - 500, nhưng chưa phải đã vững chắc. Ý tưởng xây dựng đô thị đại học tại Quảng Nam dựa trên sự đổi mới cách làm qua nghiên cứu thực tiễn của Việt Nam và các nước.

Phù hợp thực tế

Hiện tại ở Việt Nam số người có trình độ đại học trở lên mới chỉ dưới 12% tính theo độ tuổi, trong khi Hàn Quốc, Mỹ và một số nước phát triển con số này là 32 - 36%. Để Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, trong vòng 20 năm tới tỷ lệ có trình độ đại học trở lên ít nhất 20 - 25%, và sau đó còn phải tiếp tục tăng lên. Đô thị đại học sẽ tích cực góp phần tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hằng năm có khoảng vài trăm nghìn người Việt Nam du học các nước với tổng kinh phí ước chừng 5 tỷ đô la Mỹ và có xu hướng còn tăng thêm. Một khi các trường ở Việt Nam có chất lượng chuẩn quốc tế và nhiều trường danh tiếng trên thế giới vào hợp tác mở khoa chuyên ngành, chi nhánh hoặc mở trường tại đây thì nhiều sinh viên du học sẽ chọn học tại Việt Nam với điều kiện thuận lợi hơn.

Các trường đại học của Việt Nam đang tập trung nhiều ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Trong đô thị lớn đông dân cộng với hàng triệu học sinh sinh viên từ các nơi đến học sẽ gây nên sự mất cân bằng phải giải quyết. Cách phân bổ như vậy cần điều chỉnh dần.

Ở Anh, Mỹ và nhiều nước khác, trung tâm đại học lớn nhất nước không nằm tại các thành phố lớn, mà ở thành phố loại vừa hoặc khu vực ngoại ô, vì các trường ấy có thể tự tạo ra môi trường và hệ sinh thái riêng để hoạt động hiệu quả. Việc tăng thêm các trường đại học lớn ở khu vực miền Trung là phù hợp xu hướng này.

Quảng Nam là điểm chính giữa của đất nước, các loại hình giao thông xuyên Việt đều đi qua, nằm giữa 2 sân bay đều quy hoạch là sân bay quốc tế, có các cơ sở công nghiệp, du lịch và dịch vụ để sinh viên có điều kiện thực tập, lại là vùng có truyền thống hiếu học nên rất phù hợp để phát triển một trong những trung tâm giáo dục đại học của đất nước.

Mặt khác, hiện trạng kinh tế - xã hội của miền Trung phát triển chậm và tụt hậu hơn hai đầu đất nước, cần có các trường đại học mạnh ở đây để tác động lan tỏa tri thức nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và chất lượng, tạo thế hài hòa giữa các vùng trên cả nước.

Đang và sẽ có nhiều tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam để nghiên cứu đầu tư. Điều này vừa đặt ra yêu cầu phải khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực trong nước, lại vừa là cơ hội cần tranh thủ thu hút đầu tư để phát triển giáo dục đại học nói riêng và các mặt kinh tế - xã hội nói chung.

Định hướng phát triển

Các trường đại học và không gian bên ngoài các trường là hệ sinh thái của một đô thị học tập và nghiên cứu. Tại đó bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và làng quê Việt Nam, chỉnh trang dần dần để thành các làng đại học.

Đa dạng loại hình trường, nhưng chủ yếu khuyến khích không vì mục đích lợi nhuận và sẽ là đặc trưng của các trường đại học tại đây. Tiêu chí chủ yếu của loại hình này là không chia lợi nhuận cho cá nhân mà dùng để tích lũy tăng vốn cho nhà trường - thuộc sở hữu chung của cộng đồng trường.

Có ý kiến ngại mô hình này khó huy động vốn. Đó là đối với nguồn tài chính đầu tư theo mục đích tạo lợi nhuận cho cá nhân. Vẫn có nhiều quỹ tài chính quốc tế, các nguồn vốn hướng vào mục đích văn hóa - xã hội và các cá nhân chỉ quan tâm đầu tư dành riêng cho các trường không vì mục đích lợi nhuận.

Họ không vì mục tiêu lợi nhuận khi đầu tư vào các trường công lập hoặc các trường tư. Loại trường không vì mục đích lợi nhuận khi tập hợp vào một cộng đồng thì dễ hơn trong việc chia sẻ và tương tác thông tin khoa học để cùng phát triển.

Ngoài số sinh viên Việt Nam là chủ yếu, còn có sinh viên các nước đến học. Sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại chỗ và từ xa, trực tiếp và trực tuyến, kết nối các thư viện điện tử trong và ngoài nước, tổ chức cho sinh viên tham gia học tập toàn cầu.

Để bảo đảm thành công, trước nhất cần có quyết tâm đủ mạnh của lãnh đạo và nhân dân, quyết làm cho được một việc khó mà rất quan trọng đối với lịch sử phát triển của Quảng Nam cho đời sau.

Tiếp theo phải có cách làm đúng. Không phải chủ yếu là xây trường, dù điều đó cũng quan trọng, mà cái chính là phần mềm về phát triển chất lượng đào tạo và quản trị nhà trường theo hướng hiện đại. Sự kết hợp giữa phương án giáo dục tiên tiến và phương án tài chính bảo đảm, quy hoạch không gian phù hợp, lựa chọn đúng loại hình và có chính sách tốt sẽ quan trọng nhất để dự án thành công.

Cần xúc tiến, vận động các trường đại học danh tiếng của thế giới như Harvard, Stanford, MIT (Mỹ); Oxford và Cambridge (Anh)… vào hợp tác đào tạo. Từ đó xây dựng một đô thị đại học có sự liên kết giữa các trường đại học trong nước với các trường danh tiếng của nước ngoài, làm nên một cộng đồng đại học tạo không gian để tiếp biến văn hóa, tiếp thu chọn lọc các giá trị tinh hoa của nhân loại, chia sẻ và trao đổi thông tin về học thuật và khoa học - công nghệ.

VŨ NGỌC HOÀNG