Bà Huỳnh Thị Hường - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Gầy dựng nền tảng giáo dục

XUÂN PHÚ (ghi) 29/01/2022 06:26

(Xuân Nhâm Dần) - Thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, ngành GD-ĐT Quảng Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là cơ sở vật chất trường lớp khá ọp ẹp. Có thể nói, chúng ta gần như bắt tay làm lại từ đầu. 

Sự nghiệp GD-ĐT xứ Quảng đã đạt nhiều thành quả nhất định trong giai đoạn tái lập tỉnh đến nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Sự nghiệp GD-ĐT xứ Quảng đã đạt nhiều thành quả nhất định trong giai đoạn tái lập tỉnh đến nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tôi không nhớ rõ lắm cơ chế nguồn lực tài chính cụ thể để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, xây dựng đội ngũ..., nhưng hồi ấy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến sự nghiệp GD-ĐT.

Bên cạnh dành nguồn lực đầu tư khá lớn từ ngân sách của địa phương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tranh thủ được nhiều dự án của Trung ương hỗ trợ phát triển giáo dục. Ngoài ra, nhiều địa phương thời điểm ấy như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ cũng đặc biệt quan tâm đầu tư cho trường lớp.

Riêng đối với giáo dục miền núi, thời điểm năm 1997 khó trăm bề. Để làm công tác phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng, tôi phải lên trực chiến suốt ở miền núi để kịp thời chỉ đạo. Do điều kiện địa bàn cách trở, học sinh ít, giáo viên thiếu thốn nên chủ trương của ngành hồi ấy là đẩy mạnh mô hình lớp ghép nhằm thu hút học sinh ra lớp; đồng thời tăng cường vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em đến trường.

Nhưng ý thức học tập của con em và người dân miền núi hồi ấy đâu phải như bây giờ. Một số nơi vận động khó quá, chúng tôi dùng “chiêu” tặng dàn karaoke, thật ra gọi cho oách vậy thôi chứ chỉ có đầu máy và 2 cái loa.

Khi mở ra không ai đọc chữ được để hát, mới bảo phải đi học xóa mù mới biết chữ để hát được. Ngay cả Trường Phổ thông DTNT tỉnh sau này phải thi tuyển cạnh tranh đầu vào nhưng khi đó vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em vào học cũng hết sức khó khăn.

Sau khi tái lập tỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nguồn lực nhà nước đầu tư cho GD-ĐT không thể đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chủ trương của tỉnh lúc bấy giờ là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, cũng là thực hiện Nghị quyết Trung ương II, nhằm huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Với chủ trương đó, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 7 trường THPT bán công tại các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố. Cạnh đó, tạo điều kiện phát triển loại hình trường dân lập với việc ra đời Trường THPT Hà Huy Tập (Tam Kỳ), Phạm Văn Đồng (Quế Sơn).

Một thời gian sau, loại hình trường bán công không còn nhưng có thể nói việc phát triển loại hình trường học này thời điểm đó mang lại rất nhiều ý nghĩa, phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trong điều kiện trường lớp chưa thể đáp ứng.

Ngoài ra, đến năm 2002 thành lập Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có ý nghĩa đầu tư mũi nhọn chất lượng, góp phần đào tạo nhân tài cho tỉnh và đất nước.

Rõ ràng, sự nghiệp GD-ĐT xứ Quảng có được thành quả như hiện nay được gầy dựng từ nền tảng những chủ trương, quyết sách, tầm nhìn chiến lược đúng đắn trong giai đoạn đầu khi tỉnh tái lập.

XUÂN PHÚ (ghi)