Hiệu quả thiết thực của một chương trình

AN NHI 13/01/2022 06:32

Chương trình thí điểm dạy tiếng Anh và giáo dục STEM tại trường phổ thông trên địa bàn tỉnh của Công ty TNHH Tư vấn giáo dục Teach For Viet Nam (gọi tắt là TFV) được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh.

TFV làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện chương trình và kế hoạch triển khai thời gian tới. Ảnh: A.NHI
TFV làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện chương trình và kế hoạch triển khai thời gian tới. Ảnh: A.NHI

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Giám đốc TFV cho biết, chương trình hợp tác giữa TFV và Sở GD-ĐT Quảng Nam được triển khai từ năm học 2020 - 2021 tại huyện Núi Thành và Đại Lộc với tổng cộng 16 trường học (9 trường tiểu học, 7 trường THCS), thu hút gần 1.700 học sinh (HS) tham gia.

Bên cạnh chương trình giảng dạy các lớp ngoại khóa tiếng Anh, STEM ở Núi Thành và Đại Lộc, TFV còn triển khai các lớp dạy học miễn phí tiếng Anh, giáo dục khởi nghiệp hè cho HS các địa phương Quế Sơn, Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình.

Qua khảo sát ý kiến đánh giá của ban giám hiệu và giáo viên của các trường học cho thấy, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song chương trình đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra. HS tham gia học chuyên cần, có sự tiến bộ.

“Tất cả các chương trình đều được TFV thực hiện miễn phí. Đến nay, tổng kinh phí thực hiện chương trình, kể cả trả lương cho giáo viên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gần 4 tỷ đồng. Về định hướng thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2021 - 2025 tại Núi Thành, Đại Lộc và mở rộng thêm các địa phương Quế Sơn, Phú Ninh, Thăng Bình” - bà Trang chia sẻ.

Bà Trần Thị Anh Hậu - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Núi Thành cho biết, địa phương có 5 trường tiểu học, 4 trường THCS được TFV hỗ trợ thực hiện chương trình. Đánh giá của các trường qua thời gian giảng dạy thí điểm đều thống nhất, dù còn một số hạn chế nhưng nhìn chung chương trình ngoại khóa tiếng Anh giúp HS yêu thích, hình thành kỹ năng và sự tự tin trong học tập. HS mạnh dạn hơn trong việc đề xuất ý tưởng, dám nói lên những suy nghĩ cá nhân.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc, thực tế cho thấy HS hưởng ứng tích cực các hoạt động ngoại khóa chương trình, hứng thú hơn trong học tập và rèn luyện, có sự tiến bộ về năng lực nghe, nói tiếng Anh. HS cũng được rèn luyện kỹ năng tự xây dựng nội dung hoạt động, kỹ năng làm việc nhóm, được trải nghiệm, hiện thực hóa các ý tưởng một cách sáng tạo trong các sản phẩm STEM.

Là chương trình thí điểm và mới đưa vào thực hiện trong thời gian ngắn, vì vậy, việc đánh giá về chương trình khá chừng mực và còn một số tồn tại là điều dễ hiểu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, qua thời gian thực hiện thí điểm chương trình giáo dục ngoại khóa của TFV, có thể thấy một số thuận lợi như đội ngũ giáo viên trẻ, cách dạy mới, nội dung hấp dẫn nên HS rất hứng thú học tập.

Tuy nhiên, nội dung chương trình, tài liệu giảng dạy chưa được phê duyệt, chưa đánh giá được năng lực đội ngũ giáo viên. Vì vậy, TFV phải đảm bảo cơ sở pháp lý theo quy định; đồng thời không nên triển khai nhỏ lẻ từng trường mà cần nghiên cứu tổ chức theo hướng tập huấn cho đội ngũ giáo viên cả tỉnh nhằm mở rộng địa bàn.

Tại buổi làm việc với TFV mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân hoan nghênh sự hỗ trợ trong thời gian qua và nhấn mạnh chủ trương của tỉnh ủng hộ TFV tiếp tục triển khai thực hiện chương trình nhằm hỗ trợ HS, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

AN NHI