Học trò xứ Quảng với “550 năm Danh xưng Quảng Nam”

THANH THẢO 31/12/2021 17:56

(QNO) - Kết nối sự kiện 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021), ngành GD-ĐT đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về “đất và người xứ Quảng” dành cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh.

 
Các tác phẩm dự thi của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: T.T

Đa dạng đề tài

Cuộc thi tìm hiểu “Đất và người xứ Quảng” đã đem đến sân chơi thú vị cho học trò THPT xứ Quảng. Theo ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban giám khảo (BGK) cuộc thi: “Đây vừa là cơ hội cho học sinh tìm hiểu về lịch sử của vùng đất quê hương, vừa là dịp để các em thể hiện sự hiểu biết, cảm nhận và đặc biệt là bày tỏ tình cảm với xứ sở, quê hương”.

Bằng hình thức thể hiện đa dạng như giới thiệu về danh nhân, di tích lịch sử - văn hóa, địa điểm du lịch, làng nghề truyền thống, giới thiệu tác giả, tác phẩm, con người…, “kiểu đề mở” của cuộc thi lần này đã khích lệ học sinh tự phát huy những điểm mạnh, sở trường của mình trước một vấn đề có vẻ mang tính hàn lâm vốn tưởng chừng chỉ đậm tính lịch sử.

Ngoài những vùng đất nổi tiếng như Hội An, Mỹ Sơn, hầu hết trường học khuyến khích học sinh tìm hiểu về danh nhân, lịch sử, địa lý ngay tại vùng miền mà các em sinh sống.

Những bài viết như “Nét đẹp xứ Tiên” (Phương Uyên - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng), “Con đường tơ lụa Duy Xuyên” (Lưu Thị Hiếu - Trường THPT Nguyễn Hiền), “Người dân Tam Tiến thủy chung son sắt” (Trần Thị Lâm - Trường THPT Núi Thành), “Căn cứ nước Là” (Mỹ Hằng - Trường THPT Nam Trà My), “Xứ Trà - người cựu chiến binh và nhà thờ Bác” (Hoàng Tùng - Trường THPT Bắc Trà My, “Phạm Phú Thứ - một nhà nho chân chính” (Ngọc Trinh - Trường THPT Phạm Phú Thứ) vừa có sự kết hợp giữa cũ và mới vừa thể hiện cách hiểu, cách cảm nhận riêng của mỗi học sinh theo nhiều hình thức khác nhau.

Có bài viết đưa người đọc trải nghiệm trong hương vị mặn mà của vị mắm Quảng (Nguyễn Thị Nghĩa - Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), du lịch miệt vườn giữa lòng Đại Lộc (Ngọc Tâm - Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển) qua Cao Ngạn, lên Bằng Am, về Trà Quế, qua làng chiếu Bàn Thạch rồi ngược lên ăn món láp ở Nam Giang, món bánh sừng trâu Tây Giang…

Nhiều bài viết ấn tượng

Đứng giữa quá nhiều sự lựa chọn và chỉ có lựa chọn duy nhất để thể hiện (mỗi học sinh chỉ được tham gia 1 bài dự thi), cuộc thi tìm hiểu “Đất và người xứ Quảng” trong ngành GD-ĐT cũng là điểm nhấn cho việc khích lệ văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông.

Bìa bài dự thi của Trần Thảo Ngân. Ảnh: T.T
Bìa bài dự thi của Trần Thảo Ngân. Ảnh: T.T

Không phải ngẫu nhiên, BGK cuộc thi chọn 2 giải nhất dành cho Huỳnh Thị Bảo Trâm (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) và Trần Thảo Ngân (Trường THPT Trần Quý Cáp), bởi nội dung, cách thể hiện, hình thức và cả sự sáng tạo của mỗi em đều ấn tượng.

Viết về “Dinh trấn Thanh Chiêm, dấu ấn lịch sử văn hóa xứ Quảng”, Thảo Ngân có những dòng đầy cảm xúc: “Giữa ồn ào, náo nhiệt của nhịp sống hiện đại, tìm về “dấu xưa” của quê hương xứ Quảng qua hành trình Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ là những nốt lặng thâm trầm, những phút giây sống chậm quý giá để ta chiêm ngưỡng quá khứ và tự hào về đất và người xứ Quảng”.

Chọn “Đất và người Tiên Phước qua tản văn Hoa trung du” làm đề tài, Bảo Trâm đã đưa người đọc đến quê hương mình bằng những tình cảm thật đẹp: “Với lời kể thật dịu êm mà lay động lòng người, tác giả đã viết “Hoa trung du” bằng lời của trái tim và tình yêu tha thiết với thiên nhiên, xóm làng, gia đình và bè bạn. Người con Tiên Phước ấy đã thổi vào cỏ cây, hoa lá, dòng sông... những linh hồn mến yêu quá đỗi, những linh hồn vạn vật biết yêu thương, biết khát khao và biết cần có nhau trong cuộc đời".

Có văn phong của báo chí, “Giọt cổ” (Mỹ Duyên - Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông) là bài viết hay về những con người, những câu chuyện quanh giếng nước Bá Lễ, một địa điểm, một nguốn sống vốn rất quen thuộc của người dân Hội An.

Giới thiệu tiền hiền võ tướng Lê Tấn Trung, hai tác giả Thanh Thiên và Phương Uyên (Trường THPT Lê Quý Đôn, Tam Kỳ) chỉ với mong ước giản dị là thông qua bài viết của mình, nhiều người sẽ biết đến bậc tiền nhân không những có công trong việc khai khẩn lập ấp mà cả cuộc đời ông đã mãi mãi nằm lại soi bóng trên vùng đất Trường Xuân, xứ Quảng…

Những bài viết giới thiệu tác giả - tác phẩm của Hà Lê Quỳnh Thư (Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn) về “Người Quảng Nam” (tác giả Lê Minh Quốc), của Châu An (Trường THPT Lê Quý Đôn) về “Làng xứ Quảng” (tác giả Trương Điện Thắng) nhiều bài viết cùng giới thiệu “Có 500 năm như thế” (tác giả Hồ Trung Tú)… khẳng định, sách vẫn là lựa chọn hấp dẫn đối với học sinh.

Đọc sách để hiểu thêm về quê hương, xứ sở, về hồn cốt dân tộc vùng miền, ắt hẳn giá trị tinh thần đó không gì thay thế được. Cũng như việc tìm hiểu “đất và người xứ Quảng” không phải là chỉ dừng lại ở một cuộc thi, mà tự trong mỗi người học, mỗi sĩ tử vùng đất này, xưa cũng như nay phải hiểu, biết và cảm được một xứ Quảng nguồn riêng giữa dòng chung.

Sau gần một tháng phát động, Ban Tổ chức nhận được 460 bài dự thi (đã qua vòng sơ khảo tại cơ sở) gửi về từ các trường THPT, trừ 5 đơn vị không tham gia là các trường THPT Lương Thúc Kỳ, Khâm Đức, Nguyễn Dục, Duy Tân và Trung tâm GDTX tỉnh. Qua đó chấm chọn 2 giải nhất, 5 giải nhì, 9 giải ba và 12 giải khuyến khích.

Danh sách tác phẩm đoạt giải xem TẠI ĐÂY.

THANH THẢO