"Người kết nối" ở vùng cao

ALĂNG NGƯỚC 19/11/2021 06:56

Chừng như, không có ngày nào thầy giáo Mai Tấn Lâm - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Nam Giang ngơi việc. Dù thời điểm nào, hễ bà con cần, thầy đều có mặt, tìm mọi cách để kết nối, hỗ trợ…

Từ việc kết nối, thầy giáo Mai Tấn Lâm (bên phải) trực tiếp trao hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết giúp thầy cô và học sinh trên địa bàn Nam Giang chống dịch. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Từ việc kết nối, thầy giáo Mai Tấn Lâm (bên phải) trực tiếp trao hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết giúp thầy cô và học sinh trên địa bàn Nam Giang chống dịch. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Thầy Lâm nói với tôi, chỉ thời điểm Nam Giang sống trong mùa dịch bệnh Covid-19 là không thể ra ngoài, bởi lúc đó cả trường phải thực hiện giãn cách phòng dịch.

“Nhưng, không ra ngoài không có nghĩa là ở yên một chỗ. Ngoài nhiệm vụ ở trường, thông qua mạng xã hội facebook và kênh riêng, mình sắp xếp thời gian để tìm hiểu thông tin, xác minh cụ thể từng trường hợp, rồi liên hệ kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện để giúp người dân và học sinh có thêm điều kiện trang trải cuộc sống” - thầy Lâm chia sẻ.

Không nghỉ, trong mùa dịch

Nói chuyện với thầy Lâm, tôi có cảm giác năng lượng ở người này rất lớn. “Ổng xoay như chong chóng, chỗ nào cũng có mặt, mà toàn làm việc thiện nên bà con rất thương” - một người bạn của tôi nói về thầy Lâm như lột tả đủ đầy câu chuyện về một người kết nối giữa rừng. Thầy thậm chí không nghỉ, ngay cả trong mùa dịch bệnh căng thẳng nên lúc nào cũng bận rộn, dù đã hết công việc ở trường.

“Bén duyên làm các chương trình thiện nguyện từ khi còn sinh viên, sau này nhận công tác tại địa bàn miền núi Nam Giang, mình thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của người dân và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng việc kết nối, mình mong muốn góp thêm chút công sức giúp các em có thêm điều kiện học tập, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ngăn học sinh bỏ học giữa chừng”.(Thầy giáo Mai Tấn Lâm)

Hơn 10 năm theo đuổi, hành trình kết nối thiện nguyện với thầy Lâm bây giờ như “mệnh lệnh từ trái tim” với đồng bào, với các lớp học trò vùng cao Nam Giang.

Thầy khoe với tôi, vừa huy động lực lượng phân phát hàng tấn lương thực, thực phẩm tận tay người dân và các điểm trường học cách ly mùa dịch. Sau thời gian vận động, thầy kết nối với các nhà hảo tâm, rồi xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân và học sinh khó khăn trên địa bàn.

“Mình ưu tiên cho các khu dân cư đang thực hiện lệnh phong tỏa và một số điểm trường học, khu cách ly tập trung của huyện. Bởi mấy chỗ đó điều kiện khó khăn hơn so với khu vực khác” - thầy Lâm vừa dứt lời, chiếc điện thoai reo lên.

Sau vài phút trao đổi, thầy Lâm thông tin: “Ngày mai, có thêm một đoàn thiện nguyện lên hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp bà con bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.

Còn nhớ hồi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 tái bùng phát, lúc ấy Nam Giang vẫn là “vùng xanh” an toàn. Nhưng, đồng bào ở miền Nam và TP.Đà Nẵng đang trong thời kỳ khốn khó do thực hiện lệnh phong tỏa, giãn cách ở phạm vi rộng.

Thầy Lâm ngược xuôi khắp làng người Cơ Tu, Tà Riềng vận động người dân đóng góp tinh thần, vật chất hỗ trợ miền xuôi chống dịch. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng tấn nông sản gồm các loại rau củ quả được trồng trên cánh rẫy của đồng bào vùng cao đã được tập kết, theo các chuyến xe về xuôi.

Không nghỉ trong mùa dịch, với thầy Lâm cũng là cách để chia sẻ với người khó khăn. Nhiều tháng trước, chứng kiến người dân lao động từ các tỉnh miền Nam ồ ạt trở về quê, không quản ngại vất vả, thầy cùng nhiều người bạn của mình tiếp sức trên các chặng đường đi qua địa bàn. Thương cảm với phận lao động nghèo, có lúc thầy vét hết số tiền trong người để góp mua vài thùng sữa tươi, nước uống, bánh kẹo giúp bà con mang theo trên đường trở về…

Góp niềm vui cho đời

Thầy Lâm nói không thể nhớ hết số lần kêu gọi thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng. Bởi đó là việc hàng ngày, việc phải làm, sâu thẳm trong trái tim thầy. Năm ngoái, sau đợt điều tiết xả lũ của thủy điện, nhiều hộ dân tại xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) rơi vào cảnh nhà cửa tan hoang, ruộng vườn vùi lấp. Do bị ảnh hưởng nặng nề nên một số hộ dân đứng trước nguy cơ thiếu đói. Thời điểm đó, trên trang facebook cá nhân của mình, thầy Lâm thường xuyên kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.

Những hình ảnh về nhà cửa, ruộng vườn bị lũ tàn phá lần lượt được chia sẻ, cập nhật. Từ lời kêu gọi của ấy, sau mưa lũ, có rất nhiều chuyến xe thiện nguyện lên vùng cao. Dịp này, thầy Lâm cũng kêu gọi hỗ trợ được 2 ngôi nhà tình thương (mỗi nhà trị giá 150 triệu đồng) giúp 2 hộ dân Cơ Tu ở địa phương bị lũ cuốn trôi nhà cửa ổn định cuộc sống.

Chúng tôi theo chân thầy Lâm tìm đến ngôi nhà của vợ chồng anh Blúp Măn (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Pà Dấu 1, thị trấn Thạnh Mỹ). Đây là một trong 2 ngôi nhà được thầy Lâm kết nối xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Trường Đại học Văn Lang (TP.Hồ Chí Minh). Đón khách trong căn nhà mới, vợ chồng anh Măn không giấu được niềm vui, nói nhờ có thầy Lâm nên mới được ổn định cuộc sống sau mưa lũ như bây giờ.

“Năm ngoái, nhà mình với một số ngôi nhà người dân khác bị lũ cuốn trôi. Tài sản cũng mất hết, không còn gì, phải ở tạm trong căn chòi. May nhờ có thầy Lâm kết nối, xây dựng nhà mới, nếu không chắc nhà mình vẫn còn ở nhà tạm” - anh Măn bộc bạch.

Thầy Lâm chia sẻ, từ các chương trình thiện nguyện, mỗi năm trung bình thầy vận động ủng hộ khoảng 2 tỷ đồng, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, dụng cụ học tập của học sinh khó khăn,...

Riêng năm 2021, nguồn lực kêu gọi ước khoảng 3 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ người dân địa phương vượt qua đại dịch và thiên tai. Lan tỏa từ các chương trình thiện nguyện, thầy Lâm mong muốn ngoài dạy học, ở vùng cao sẽ có thêm nhiều thầy cô giáo cùng kết nối, tạo nên phong trào và hành động đẹp, góp thêm niềm vui với đời, với những lớp học vùng cao còn nhiều gian khó.

ALĂNG NGƯỚC