Trường Cao đẳng Quảng Nam: Hướng đến ngôi trường thực hành
Nỗ lực ổn định sau thời gian sáp nhập từ 6 trường nghề, hôm nay 19.11, Trường Cao đẳng Quảng Nam tổ chức lễ khai giảng, bước vào năm học đầu tiên.
Chọn học trường nghề
Tuyển sinh học sinh, sinh viên (HSSV) học nghề luôn là lời giải căn cơ nhất để một ngôi trường dạy nghề có thể đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả.
Ngay sau khi có quyết định thành lập Trường Cao đẳng Quảng Nam trên cơ sở sáp nhập 6 trường nghề của tỉnh, ngoài tiếp nhận HSSV đang học, nhà trường đã lên kế hoạch cho mùa tuyển sinh mới.
Đến thời điểm bước vào khai giảng năm học mới, trường đã tuyển sinh 1.883 HSSV (đạt hơn 80% chỉ tiêu giao); liên kết đào tạo thạc sĩ, đại học, cao đẳng là 505 SV; đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng được 1.054 học viên.
Hiện nay, số lượng HSSV toàn trường là 4.083 người, trong đó có 994 HSSV là đồng bào dân tộc thiểu số. Chọn học nghề ngay sau khi hoàn thành bậc THCS, Huỳnh Quang Ngân (xã Bình Sơn, Hiệp Đức) đã đăng ký học nghề điện - điện tử hệ trung cấp chứ không học THPT.
Ngân nói: “Em chọn học nghề điện - điện tử theo sở thích bản thân cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Em sẽ cố gắng học tốt chương trình ở trường, học kỹ năng nghề để khi hoàn thành chương trình thì có thể làm việc được”.
Theo PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam, kể từ ngày 1.6 đến nay, nhà trường liên tục thực hiện tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh tại các trường THCS, THPT.
Bộ phận tuyển sinh của nhà trường đã chủ động liên hệ với sở GD-ĐT các tỉnh lân cận để có thông tin của thí sinh thi đỗ và hỏng tốt nghiệp THPT, gửi thư mời nộp hồ sơ nhập học, gửi tin nhắn thông báo tuyển sinh đến tất cả thí sinh.
Nhà trường phối hợp chặt chẽ với các địa phương và doanh nghiệp như Tập đoàn Tân Long, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty Esuhai để tổ chức tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh THCS, THPT và đoàn viên - thanh niên ở các địa phương trong tỉnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh, trường đã tư vấn, tuyển sinh trực tuyến, điều động cán bộ giảng viên tham gia công tác trực tuyển sinh ngoài giờ hành chính để gọi điện thoại tư vấn, trả lời thí sinh trên hệ thống APP, Uhchat, facebook, gửi tin nhắn, thư mời nhập học cho thí sinh đăng ký xét tuyển, thí sinh trúng tuyển nhưng chưa đến nhập học, học sinh hỏng lớp 10, hỏng tốt nghiệp THPT và không đăng ký xét tuyển đại học.
Nỗ lực sau sáp nhập
Trường Cao đẳng Quảng Nam đang đào tạo ở 4 nhóm ngành nghề chính gồm kỹ thuật, kinh tế - xã hội, nông lâm, nghệ thuật, với 145 mã ngành đào tạo từ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Sau sáp nhập, nhà trường có 1 cơ sở chính và 4 cơ sở trực thuộc ở các địa bàn trong tỉnh.
Theo bà Phương Anh, vị trí của các cơ sở cách xa nhau về khoảng cách địa lý, yêu cầu về đạt chuẩn đội ngũ của các trường khác nhau nên thời gian đầu khó khăn trong công tác sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ viên chức, người lao động.
Bà Vũ Thị Phương Anh cho biết: “Nhà trường đã tiến hành kiểm kê toàn bộ hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo. Khi ở các trường cũ, dù có đầu tư, nhưng thực tế có nhiều thiết bị, máy móc qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng mà chưa thay thế, bổ sung kịp thời. Vì thế, yêu cầu đào tạo theo kịp xu hướng công nghệ của doanh nghiệp, xã hội là điều khó khăn.
Để khắc phục thực trạng này trong quá trình xây dựng một ngôi trường nghề thiên về thực hành, ngoài đầu tư mới theo khung chương trình yêu cầu, nhà trường sẽ tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong đào tạo.
Quá trình đào tạo sẽ có sự tham gia của doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra, nhằm giúp HSSV được tiếp cận với dây chuyền công nghệ hiện đại, tác phong công nghiệp quy chuẩn tại các doanh nghiệp. Khi HSSV ra trường, doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc đảm bảo theo yêu cầu”.
Với sự nỗ lực của tập thể nhà trường, sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, nhà trường đã dần ổn định và tiến đến xây dựng một ngôi trường nghề đạt chuẩn. Nhà trường có thế mạnh về kinh nghiệm đào tạo các khối ngành nghề nông nghiệp, cơ khí, ô tô, điện - điện tử, may thời trang và đang được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.
Bên cạnh đó là sự nhận thức của xã hội trong việc phân luồng học sinh sau THCS đi học nghề có sự chuyển biến tích cực, đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo cho HSSV.