Huy động ủng hộ hơn 1 triệu máy tính cho học sinh học trực tuyến
(QNO) - Tối qua 12.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ phát động trực tuyến chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện các sở, ban ngành và doanh nghiệp bưu chính - viễn thông.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, chương trình “Sóng và máy tính cho em” gồm 3 cấu phần chính: có sóng, có internet đến tất cả hộ gia đình; có máy tính cho các em thuộc hộ nghèo; có giá cước phù hợp cho các máy tính này. Mục tiêu chương trình nhằm mang đến băng thông internet giá rẻ, với các nền tảng dạy học từ xa và với hàng chục triệu chiếc máy tính cá nhân hỗ trợ học sinh.
Theo đó, chương trình đặt mục tiêu phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện học trực tuyến (thời hạn hoàn thành trong tháng 9.2021); phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối internet di động trên toàn quốc (thời hạn hoàn thành trong năm 2021). Kinh phí dự kiến việc này là 3.000 tỷ đồng.
Về hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến, chương trình đặt mục tiêu giai đoạn 1 (trong năm 2021) huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và thực hiện học trực tuyến. Kính phí dự kiến giai đoạn 1 khoảng 2.500 tỷ đồng.
Chương trình cũng sẽ có một số hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và tổ chức dạy học trực tuyến, như miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền internet bảo đảm việc dạy học trực tuyến. Kinh phí dự kiến 645 tỷ đồng (thời gian trong 3 tháng).
Giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023), tiếp tục phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến lãnh đạo các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, tổ chức… trao máy tính tặng chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tính đến cuối buổi lễ, chương trình đã huy động ủng hộ được hơn 1 triệu máy tính với tổng trị giá khoảng 2.575 tỷ đồng.
Đơn cử như Bộ TT-TT trao 400 nghìn máy tính tương đương 1.000 tỷ đồng; ngành giáo dục Việt Nam trao 200 nghìn máy tính trị giá 500 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao 100 nghìn máy tương đương 250 tỷ đồng; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao 100 nghìn máy trị giá 250 tỷ đồng; Tập đoàn Viettel ủng hộ 37.000 máy tính; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ủng hộ 10 nghìn máy tính...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động, Bộ TT-TT chủ trì phối hợp với Bộ GD-ĐT và các địa phương tổ chức thực hiện có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ngoài hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng dịch, chương trình góp phần tiến tới phủ sóng internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm thực hiện mục tiêu ứng dụng, phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số.
“Hỗ trợ hàng triệu học sinh lúc này là hỗ trợ cả một thế hệ, giảm bớt khó khăn và thiệt thòi cho các em hôm nay là chúng ta giảm bớt gánh nặng xã hội cho hàng chục năm về sau. Giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tốc độ và chất lượng phát triển đất nước trong tương lai. Đường truyền mạng, sóng và thiết bị máy tính cho các em là sự kết nối vật lý và cơ giới phục vụ học tập, nhưng cũng là sự kết nối bền chặt hơn con người với con người, sự kết nối các vùng miền và kết nối hiện tại với tương lai…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó có hơn 7,3 triệu học sinh thuộc 26/63 tỉnh thành đang triển khai học trực tuyến. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu, tính tới ngày 12.9 có khoảng 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận huyện) không thể tham gia lớp học cùng các bạn do thiếu thiết bị. Việc tổ chức dạy học trên truyền hình cho lớp 1 và lớp 2, dạy học bổ trợ cho các lớp khác trên truyền hình cũng gặp những khó khăn lớn về thiết bị, sóng và đường truyền.