Dạy học trực tuyến ở Đại Lộc: Nỗ lực vượt khó khăn, áp lực

TRIÊU NHAN 31/08/2021 15:20

(QNO) - Năm học 2021-2022, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Đại Lộc triển khai dạy và học trực tuyến ở các cấp học. Song, với phương thức này, khó khăn, áp lực không nhỏ, đòi hỏi có sự nỗ lực rất lớn từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh lẫn học sinh. 

63 trường học tại Đại Lộc triển khai dạy học trực tuyến. Ảnh: T.N
63 trường học tại Đại Lộc triển khai dạy học trực tuyến. Ảnh: T.N

Áp lực từ nhiều phía

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dạy và học online được xem là giải pháp duy nhất để đảm bảo an toàn song áp lực cũng không nhỏ. Tại Đại Lộc, 63 trường học đều tổ chức dạy và học trực tuyến từ 5.9.

Tại Trường TH Nguyễn Đức Thiệu, theo ông Đỗ Xuân Thưởng - Hiệu trưởng nhà trường, trường đã xây dựng phương án dạy học online, tổ chức tập huấn cho 25 giáo viên cách dạy online, cách sử dụng thiết bị dạy học, thiết kế bài giảng trực tuyến. Song, theo thầy Thưởng, việc dạy học online cho học sinh cấp tiểu học thực sự gặp nhiều khó khăn, trường hiện chỉ có 25 giáo viên đứng lớp (thiếu 8 giáo viên). Lo nhất là học sinh bước vào lớp 1, độ tuổi còn quá nhỏ, chưa có kỹ năng sử dụng được máy tính bảng, điện thoại, máy tính xách tay, phải có kết nối internet để kết nối bài giảng xuyên suốt...

Tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, theo ông Phan Văn Bình - Hiệu trưởng nhà trường, năm học này, trường có 33 giáo viên giảng dạy, 16 lớp học với 585 học sinh, trong đó nhà trường đón 94 học sinh khối lớp 6. Trường đã tổ chức tập huấn cho toàn thể giáo viên nhà trường về việc dạy học online. Giáo viên đã kết nối Zalo, Facebook để chia sẻ thông tin đến phụ huynh và giúp học sinh học online thuận tiện hơn. Theo thầy Bình, ở bậc THCS thì việc dạy và học trực tuyến có phần đỡ vất vả hơn vì các em cơ bản đã biết sử dụng công nghệ thông tin, không quá ngỡ ngàng song khó khăn là nhiều học sinh không đủ thiết bị, điều kiện học trực tuyến. Theo thống kê có khoảng 40% số học sinh của trường chưa đủ điều kiện học trực tuyến. Nhiều em chỉ có điện thoại thô sơ, có ti vi nhưng không có laptop, không có máy tính bảng, điện thoại thông minh, không có kết nối mạng. Khó khăn này đòi hỏi giữa giáo viên và phụ huynh phải có sự nỗ lực rất lớn để tạo điều kiện cho con em học tập.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc, về nội dung, hình thức dạy học trực tuyến, huyện triển khai dạy ở tất cả các môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành ở từng cấp học, đảm bảo chất lượng dạy trực tuyến cần đảm bảo số tiết dạy/tuần theo quy định, thời lượng mỗi bài giảng linh hoạt theo môn học và từng nội dung cụ thể. Mỗi bài dạy trực tuyến, giáo viên tổ chức quay video, chuyển bài giảng qua nhóm lớp để hướng dẫn học sinh và làm bài tập trực tuyến. Với học sinh không học trực tuyến theo lớp, giáo viên gửi bài giảng, video qua email lớp học/zalo nhóm lớp; hướng dẫn để cha mẹ học sinh hỗ trợ học sinh học tập. Lịch học có thể bố trí vào buổi sáng, chiều hoặc tối, tạo điều kiện cho học sinh học tập thuận lợi nhất. Trong tuần học đầu tiên, các trường phải báo cáo nhanh tình hình học trước 16 giờ hằng ngày để Phòng GD-ĐT chỉ đạo kịp thời.

Phụ huynh cần nỗ lực

Với dạy học online, khó khăn, áp lực nhất đến từ bậc tiểu học nói chung, nhất là khối lớp 1, lớp 2. Với học sinh lớp 1, nhiều giáo viên vẫn chưa hình dung được cách dạy học trực tuyến cho khối lớp 1 sao cho hiệu quả. 

 

Trẻ mầm non nhiều tháng qua không được làm quen với các kỹ năng cần thiết, bước vào lớp 1, các bài học đầu tiên về tập viết, tập đọc rất quan trọng, cần sự hướng dẫn trực tiếp của thầy cô, nhưng học trực tuyến, các em sẽ khó tập trung. Chưa kể các em cần rèn những kỹ năng đòi hỏi thầy cô phải dạy trực tiếp như tư thế ngồi học, cách cầm bút, cách viết. Nếu không đúng phương pháp từ đầu thì sẽ gặp nhiều khó khăn sau này. Nhiều giáo viên tại Đại Lộc dạy trực tiếp trên nền tảng Google Meet, Zoom... để tăng tính tương tác, giáo viên có thể kiểm soát, điều phối lớp học tốt hơn. 

Qua tham khảo, số đông phụ huynh tỏ ra băn khoăn bởi lần đầu tiếp cận giải pháp này và không phải học sinh nào cũng có điều kiện áp dụng.

Chị Trần Thị B.Ly (thị trấn Ái Nghĩa) chia sẻ: "Để học trực tuyến, không chỉ nỗ lực sắm thiết bị, phụ huynh còn phải trực tiếp theo dõi, giám sát việc học của con, hướng dẫn con khi học cùng giáo viên. Phụ huynh vừa như một người bạn học, cũng là người thầy dạy học cho con sau các bài giảng trực tuyến nên khá áp lực".

Có thể thấy, với học trực tuyến ở bậc tiểu học, mô hình này chỉ thành công nếu phụ huynh dành thời gian học cùng con. Với học sinh khá giỏi, có điều kiện học tốt, ảnh hưởng không đáng kể, nhưng với học sinh yếu, sinh sống nơi khó khăn, sẽ rất thiệt thòi. Song, vì mục tiêu phòng chống dịch, hơn ai hết, từ gia đình, học sinh, giáo viên đến nhà trường cần nỗ lực vượt khó. 

TRIÊU NHAN