Sớm tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh
Ứng phó thế nào với dịch bệnh Covid-19 và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên (GV) là hai vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quan tâm tại hội nghị trực tuyến với các địa phương trên cả nước tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 tổ chức cuối tuần qua.
Vắc xin cho học sinh
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2020 - 2021 ngành GD-ĐT cả nước vẫn đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học. Nhiều địa phương đã vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh kế hoạch năm học, tinh giản nội dung chương trình.
Về nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đến việc chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và kéo dài, gắn với chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Trong đó, tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ngoài giáo dục mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến, các bậc học còn lại tăng cường đầu tư các điều kiện cơ sở vật chất để dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, với lớp 1 và 2 có hình thức kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh.
Chia sẻ với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, bất cập, lãnh đạo nhiều địa phương đề cập tình trạng thiếu GV hiện nay, như Nghệ An thiếu gần 8.000, Kon Tum 6.000, Gia Lai 3.700…; trong đó phần lớn là thiếu GV mầm non và tiểu học. Nhiều tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ cần có chương trình và ưu tiên tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 cho học sinh (HS).
Nhấn mạnh đến bối cảnh đặc biệt với rất nhiều khó khăn chưa lường trước được của dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị toàn ngành GD-ĐT bước vào năm học mới 2021 - 2022 nỗ lực dạy và học tốt với phương châm lấy HS làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực. Chính phủ sẽ ưu tiên cho GV, HS thời gian tới được tiêm vắc xin để sớm trở lại trường.
Liên quan đến câu chuyện thiếu GV, Thủ tướng khẳng định nguyên tắc “ở đâu có HS, ở đó có GV” nhưng phải tính toán, rà soát để có phương án bố trí hợp lý, hiệu quả. “Các địa phương cần phải linh hoạt, điều chuyển GV từ cấp học này sang cấp học khác. Đồng thời sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, xóa bỏ điểm lẻ, đưa học trò về học tại điểm trường chính” - Thủ tướng gợi ý.
Chủ động các “kịch bản”
Trước khi diễn ra hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021 - 2022 của Bộ GD-ĐT, Quảng Nam đã chủ động chuẩn bị các “kịch bản” dạy và học cũng như phương án phòng chống dịch Covid-19 trong nhà trường.
Tại hội nghị trực tuyến với các phòng GD-ĐT, trường học trên địa bàn tỉnh mới đây, Sở GD-ĐT yêu cầu tất cả trường học phải chủ động xây dựng phương án, kế hoạch vừa dạy học chất lượng, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Về phương án phòng chống dịch Covid-19 trong trường học, ngày 26.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì buổi làm việc với Sở GD-ĐT, Sở Y tế và các địa phương. Sở GD-ĐT đề xuất phương án địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 sẽ học trực tuyến, không thực hiện Chỉ thị 16 thì sẽ học trực tiếp tại trường, các hoạt động tập thể chỉ tổ chức trong phạm vi lớp, không tập trung HS toàn trường.
Phương án xử lý một số tình huống xảy ra cũng được bàn bạc như trường hợp trường học xuất hiện F0 thì tạm dừng đến trường toàn bộ, chuyển sang học trực tuyến; xuất hiện F1 thì toàn bộ HS dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến để chờ kết quả xét nghiệm, nếu âm tính thì hoạt động trở lại bình thường...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, địa phương nào thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì tổ chức dạy và học trực tuyến; còn lại thì trực tiếp. UBND tỉnh sẽ sớm ban hành phương án để ngành GD-ĐT, các trường học thuận lợi triển khai trong năm học 2021 - 2022, đảm bảo nhiệm vụ kép vừa giảng dạy, vừa đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch Covid-19.
Giáo viên đứng lớp đến từng thôn hướng dẫn học sinh
Huyện Phước Sơn đã chuẩn bị nhiều giải pháp cho năm học mới. Thầy giáo Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Phước Lộc cho biết, địa phương là xã xa nhất của huyện, lại bị ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão số 9 năm ngoái, song đến thời điểm hiện nay công tác chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn tất.
“Do điều kiện cha mẹ các em còn quá khó khăn, nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, trường xây dựng phương án giao cho giáo viên đứng lớp đến từng thôn để giao bài tập cho các em, kiểm tra hướng dẫn các em học tập” - thầy Ngộ nói.
Theo bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn, đơn vị đã có công văn gửi các trường trực thuộc, trong đó tập trung triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới.
“Chúng tôi đã chỉ đạo tập huấn cho 100% giáo viên sử dụng thành thạo phần mềm dạy học trực tuyến, yêu cầu hướng dẫn giáo viên chuẩn bị bài giảng trình chiếu phù hợp với hình thức trực tuyến để nâng cao chất lượng dạy học. Đồng thời cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền đảm bảo kế hoạch theo thời khóa biểu thống nhất toàn trường.
Đối với học sinh ở các khu vực khó khăn, hệ thống internet không đảm bảo, không có thiết bị điện tử phục vụ việc học, nhà trường có thể linh hoạt sử dụng biện pháp giao tài liệu học tập về nhà để học sinh thực hiện và hướng dẫn các em tự học” - bà Lệ nói. (T.CÔNG)