Mở rộng chính sách nhân văn

TƯỜNG VY 23/08/2021 06:07

Dự thảo Đề án quy định chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non (GDMN) thuộc loại hình dân lập, tư thục tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh vừa được Sở GD-ĐT báo cáo UBND tỉnh. Hy vọng chính sách này đến với cô và trò mầm non ở các CCN trong năm học mới 2021 - 2022.

Trẻ mầm non con công nhân làm việc tại các CCN cần được hưởng chính sách hỗ trợ để được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt hơn. Ảnh: T.VY
Trẻ mầm non con công nhân làm việc tại các CCN cần được hưởng chính sách hỗ trợ để được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt hơn. Ảnh: T.VY

Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp (KCN) học tại các cơ sở GDMN dân lập, tư thục và giáo viên mầm non tại các cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở KCN đã được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 22 (19.4.2021) của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, đối với trẻ mầm non và giáo viên tại các cơ sở GDMN dân lập, tư thục tương tự nhưng ở các CCN trên địa bàn tỉnh lại chưa có chính sách hỗ trợ này (cả tỉnh hiện có 11 KCN và 58 CCN).

Ông Thành nói: “Chỉ khác khái niệm KCN và CCN mà trẻ mầm non và giáo viên tại các cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở các KCN được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh còn CCN thì không. Do đó, việc tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển GDMN tại các CCN là rất cần thiết và phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương”.

Cũng theo ông Thành, chính sách này được triển khai sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp, nâng cao chất lượng chăm sóc dinh dưỡng và giáo dục trẻ, trong đó có các nhóm trẻ độc lập tư thục, bảo đảm sự công bằng trong thụ hưởng cho mọi trẻ em; đồng thời giảm gánh nặng tài chính đối với phụ huynh là công nhân, người lao động đang làm việc tại các CCN trên địa bàn tỉnh.

Chính sách và mức trợ cấp áp dụng được đề xuất thực hiện cũng tương tự như đối với KCN theo quy định tại Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh. Cụ thể, mức trợ cấp đối với trẻ mầm non là 160.000 đồng/tháng, giáo viên 800.000 đồng/tháng. Ngoài ra, các cơ sở GDMN tại CCN cũng được hỗ trợ 20 - 50 triệu đồng tùy theo số lượng trẻ.

Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ đánh giá cao mục tiêu, ý nghĩa của đề án và cho rằng, đây là một chính sách nhân văn của tỉnh, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho trẻ em học tập, giáo viên mầm non công tác. Tuy nhiên, cần nghiên cứu mở rộng thêm cho đối tượng nhân viên cấp dưỡng vì cùng làm việc trong môi trường GDMN dân lập, tư thục và đời sống gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước đề nghị nên tăng thêm mức hỗ trợ đối với cơ sở GDMN, tạo điều kiện để đầu tư trang thiết bị phục vụ học tập, vui chơi của trẻ.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, số trẻ mầm non là con công nhân, người lao động đang làm việc tại các CCN cả tỉnh đang học tại các cơ sở GDMN là gần 4.000 trẻ, trong đó có gần 3.000 trẻ đang học tại các cơ sở thuộc loại hình dân lập, tư thục được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập. Riêng trẻ đang học tại các cơ sở GDMN dân lập, tư thục đóng trên địa bàn có CCN là 1.800 trẻ.

Toàn tỉnh hiện có 288 trường mầm non, mẫu giáo, 3.533 nhóm, lớp; riêng trường mầm non, mẫu giáo ngoài công lập đóng trên địa bàn có CCN là 8 trường, 126 nhóm, lớp với 275 giáo viên. Với việc ra đời của nhiều cơ sở GDMN dân lập, tư thục tại các CCN cùng các KCN đã góp phần giảm áp lực lên hệ thống GDMN công lập, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em là con của công nhân, người lao động.

TƯỜNG VY