Sẵn sàng cho năm học mới
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ, phương án dạy và học ra sao, giải pháp nào để nâng cao chất lượng… là những vấn đề mà phóng viên Báo Quảng Nam đặt ra với Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc trước thềm năm học mới 2021 - 2022.
* Nhiều thầy cô giáo băn khăn về công tác chuẩn bị cho năm học mới, đặc biệt là ở các trường học được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, Sở GD-ĐT đã chuẩn bị ra sao, thưa ông?
Ông Hà Thanh Quốc: Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, chỉ còn vài ngày nữa sẽ tựu trường và khai giảng năm học mới 2021 - 2022. Thời gian qua, dù phải thực hiện phòng chống dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng để phục vụ làm khu cách ly tập trung, song ngành đã có sự chủ động trong công tác chuẩn bị.
Ngày 11.8, Sở GD-ĐT đã họp trực tuyến với hiệu trưởng tất cả trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, lãnh đạo phòng GD-ĐT bàn về công tác chuẩn bị, các phương án khai giảng, dạy và học. Nhiều thầy cô giáo chia sẻ băn khoăn về việc cơ sở đang làm khu cách ly. Tuy nhiên, các địa phương và ngành sẽ cố gắng sắp xếp, sớm bàn giao để các trường học thực hiện công việc chuẩn bị cho tựu trường, khai giảng.
Theo báo cáo từ các trường học, địa phương, về cơ bản toàn ngành đã chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến công tác tuyển sinh đầu cấp. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, 2, 6, ngành cũng đã tổ chức tập huấn, giúp giáo viên (GV) tiếp cận sớm các môn học mới như khoa học tự nhiên ở lớp 6 hay công nghệ tin học ở tiểu học.
Đối với số GV ở đồng bằng, thành phố, vùng đang thực hiện giãn cách lên công tác ở miền núi, sở chỉ đạo các trường làm việc với địa phương và liên hệ với các thầy cô sắp xếp công việc, thời gian, xét nghiệm để sớm có mặt tại trường chuẩn bị cho năm học mới.
Đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022 đã hoàn tất, sẵn sàng cho dạy và học. Nếu tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt như hiện nay thì việc tổ chức dạy học bình thường là hoàn toàn có thể.
Còn nếu không thì ngành cũng không bị động vì các trường học đã chuẩn bị từ trước các phương án dạy học trực tuyến từ xa trên cơ sở khảo sát ý kiến của phụ huynh, học sinh. Việc này cũng đã có kinh nghiệm từ năm học trước khi hầu hết các trường học triển khai dạy học trực tuyến có chất lượng.
* Kế hoạch thi tuyển viên chức năm 2021 để bổ sung đội ngũ vẫn chưa được tổ chức. Ông có lo ngại việc thiếu GV ảnh hưởng đến công tác dạy và học, nhất là các khối lớp đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới?
Ông Hà Thanh Quốc: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành chỉ đạo phải ưu tiên bố trí đội ngũ đủ để thực hiện công tác giảng dạy, đặc biệt là các môn mới. Còn trên bình diện đại trà, việc thiếu GV hiện nay không phải là nhiều và bức xúc; bởi lẽ nhiều năm qua tỉnh đều tổ chức thi tuyển, gần nhất là năm 2020 tuyển dụng gần 1.200 GV.
Hơn nữa, tỉnh cũng có chủ trương cho các trường học thiếu GV được hợp đồng GV giảng dạy. Về thi tuyển viên chức năm 2021, hiện nay sở đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức trong thời gian tới, cố gắng có GV sớm nhất bố trí cho các trường ngay từ đầu năm học mới.
* Ông có thể cho biết giải pháp của ngành trong năm học mới nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng?
Ông Hà Thanh Quốc: Trong những năm qua, giáo dục Quảng Nam đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực trên nhiều góc độ, thể hiện rõ qua chất lượng dạy và học, kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, quốc gia, kể cả cơ sở vật chất trường học. Tuy nhiên, là người làm công tác quản lý ngành, tôi trăn trở nhiều điều, trong đó làm sao để tạo ra sự chuyển biến, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng đại trà.
Muốn chuyển biến, đầu tiên với góc độ người làm quản lý, phải đi cùng với thầy cô giáo để tuyên truyền, thay đổi nhận thức. Bởi công cuộc đổi mới giáo dục thành công, vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. Khi thầy cô giáo tâm huyết, trách nhiệm đầu tư cho việc dạy, các hoạt động giáo dục thì chắc chắn chất lượng sẽ nâng lên.
Tâm huyết, trách nhiệm, truyền cảm hứng cho học trò, dạy cái học trò cần là những yêu cầu bắt buộc nơi mỗi người thầy. Vì vậy, chủ đề năm học tới là tiếp tục xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hạnh phúc. Ở đó, thầy cô coi học trò như con mình, còn học trò kính trọng, lễ phép với thầy cô. Để thực hiện được mục tiêu này, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động giảng dạy. Kèm theo đó, cần có sự công bằng trong đánh giá, nhận xét đối với GV, tạo động lực động viên cho các thầy, cô giáo phấn đấu nỗ lực dạy tốt.
* Xin cám ơn ông!