Vì sao không ban hành nghị quyết mới về học phí?
Nghị quyết 13 (19.7.2016) của HĐND tỉnh về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã hết hiệu lực sau khi kết thúc năm học 2020 - 2021. Vậy vì sao UBND tỉnh không đề xuất HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới để thực hiện thu học phí từ năm học 2021 - 2022 mà chỉ kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 13?
Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, ngoại trừ học sinh (HS) cấp tiểu học và trường phổ thông dân tộc nội trú được miễn học phí, HS các cấp còn lại phải đóng học phí theo quy định của Nghị quyết 13. Cụ thể, tương ứng với 3 vùng thành thị - nông thôn - miền núi, học phí mầm non là 105.000 - 45.000 - 20.000 đồng/tháng; THCS là 60.000 - 30.000 - 15.000; THPT là 105.000 - 65.000 - 20.000. Mức thu học phí đối với giáo dục đại học, cao đẳng cũng tùy theo nhóm ngành đào tạo, từ 620.000 - 880.000 đồng/tháng.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tổng thu học phí giai đoạn năm 2016 - 2020 gần 567 tỷ đồng (giáo dục phổ thông hơn 293 tỷ đồng và giáo dục đại học, cao đẳng 274 tỷ đồng), chiếm 2,5 - 3,5% trong tổng chi thường xuyên cho sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì nguồn thu học phí góp phần rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong việc chi thường xuyên, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa nhỏ, hỗ trợ cho các hoạt động dạy - học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Nghị quyết 13 đã hết hiệu lực sau khi năm học 2020 - 2021 kết thúc. Điều này có nghĩa, để có cơ sở tổ chức thực hiện thu học phí năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh cần phải ban hành nghị quyết mới. Tuy nhiên, UBND tỉnh có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 13 cho năm học 2021 - 2022.
Giải thích điều này, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho biết, Nghị quyết 13 HĐND tỉnh được xây dựng trên cơ sở Nghị định 86 (2.10.2015) của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2015 - 2016 đến 2020 - 2021. Nhưng đến thời điểm này, Nghị định 86 cũng đã hết hiệu lực và đang chờ nghị định mới thay thế.
Hơn nữa, Bộ GD-ĐT có Công văn 1505 (16.4.2021) đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo ổn định mức học phí của năm học 2021 - 2022 như năm học 2020 - 2021; sau khi Chính phủ có nghị định mới thay thế Nghị định 86 sẽ xem xét thực hiện theo nghị định mới. Vì vậy, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Được biết, ngoài các trường hợp được miễn giảm học phí theo Nghị định 86, thời gian qua HĐND tỉnh cũng đã ban hành các Nghị quyết 50 (6.12.2018), Nghị quyết 13 (19.4.2017) nhằm hỗ trợ đối với HS, sinh viên là người dân tộc thiểu số, khuyết tật, gia đình đăng ký thoát nghèo bền vững.
Cạnh đó, HĐND tỉnh cũng ban hành thêm một số chính sách nhằm hỗ trợ HS như Nghị quyết 34 (17.9.2020) hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và HS phổ thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nghị quyết 22 (19.4.2021) hỗ trợ trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo đang học tại các cơ sở mầm non dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp. Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa X sắp tới cũng sẽ tiếp tục xem xét để ban hành nghị quyết mới về chính sách hỗ trợ, thay thế Nghị quyết 50 hết hiệu lực.