Thăng Bình sáp nhập trường tiểu học và THCS: Nâng cao hiệu quả giáo dục

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 08/07/2021 08:21

Lần đầu tiên huyện Thăng Bình thực hiện sáp nhập trường tiểu học và THCS tại các xã Bình Chánh, Bình Định Bắc và Bình Tú để đưa vào dạy học trong năm học 2021 - 2022. Khó khăn ban đầu là điều khó tránh khỏi, song các trường nỗ lực để phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp.

Giáo viên Trường TH và THCS Nguyễn Công Trứ (xã Bình Chánh) chuẩn bị điều kiện đảm bảo đón học sinh năm học đến. Ảnh: BIÊN THỰC
Giáo viên Trường TH và THCS Nguyễn Công Trứ (xã Bình Chánh) chuẩn bị điều kiện đảm bảo đón học sinh năm học đến. Ảnh: BIÊN THỰC

Tập trung, tránh dàn trải

Mới đây, UBND xã Bình Chánh tổ chức lễ công bố quyết định sáp nhập Trường Tiểu học (TH) Ngô Gia Tự và Trường THCS Nguyễn Công Trứ. Sau khi sáp nhập, trường có tên là Trường TH và THCS Nguyễn Công Trứ, năm học 2021 - 2022 trường có 16 lớp với khoảng 480 học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Liễu - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, sau khi sáp nhập, trường vẫn giữ nguyên đội ngũ giáo viên của hai trường là 35 giáo viên như hiện nay. Căn cứ tình hình thực tế về số lớp, cơ cấu đội ngũ, ban giám hiệu cùng với tổ chuyên môn bố trí sắp xếp công việc cho từng giáo viên đảm bảo đúng chuyên môn, có tính kế thừa. Trong những giáo viên này sẽ có những thầy cô dạy cả 2 cấp, đó là các giáo viên Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục.

“Năm học 2021 - 2022, đội ngũ giáo viên dạy tiểu học của trường thiếu 2 giáo viên do tăng lớp so với hiện nay và có 2 giáo viên nghỉ hưu trong năm 2021. Khối THCS có 4 giáo viên về hưu đúng tuổi và về hưu trước tuổi. Do vậy, nhà trường mong muốn cấp trên điều động thêm giáo viên để khỏi ảnh hưởng công tác dạy và học. Đồng thời mong muốn UBND huyện Thăng Bình hỗ trợ kinh phí để nhà trường có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất sau khi được sáp nhập” - thầy Nguyễn Văn Liễu nói.

Ông Hồ Chí Dũng - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, thời gian qua, Trường TH Ngô Gia Tự và Trường THCS Nguyễn Công Trứ đã thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học. Chất lượng giáo dục của hai trường luôn được duy trì, giữ vững và nâng cao. Trường THCS Nguyễn Công Trứ được tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2011 và được kiểm tra công nhận lại đạt chuẩn sau 5 năm vào tháng 12.2016. Trường TH Ngô Gia Tự được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2017.

“Tuy vậy quy mô trường lớp hiện nay quá nhỏ, tổng số lớp, học sinh của hai trường đến nay chỉ có 15 lớp với 454 học sinh. Việc dư, thiếu giáo viên cục bộ của từng trường dẫn đến chưa phát huy hết nguồn lực của đội ngũ giáo viên và chất lượng dạy học, hoạt động ngoài giờ lên lớp còn hạn chế. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học dàn trải, công tác huy động nguồn lực từ cha mẹ học sinh và xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục của hai trường hiệu quả còn thấp. Vì thế, việc sáp nhập Trường TH Ngô Gia Tự với Trường THCS Nguyễn Công Trứ thành một trường sẽ phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp” - ông Hồ Chí Dũng cho biết.

Đảm bảo dạy và học

Từ năm 2014 đến hết năm 2017, huyện Thăng Bình đã sắp xếp giảm 84 điểm trường của 30 đơn vị trường học. Từ năm 2018 - 2020, huyện Thăng Bình tiếp tục sắp xếp giảm được 21 điểm trường mẫu giáo, 16 điểm trường TH. Trong đó năm 2019 hoàn thành việc sáp nhập Trường TH Lương Định Của vào Trường TH Cao Bá Quát (xã Bình Giang).

Cùng với Trường TH và THCS Nguyễn Công Trứ, năm học 2021 - 2022, huyện cũng đã sáp nhập Trường TH Lê Độ và Trường TH Phù Đổng thành Trường TH Phù Đổng (xã Bình Tú); sáp nhập Trường TH Trần Cao Vân và Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu thành Trường TH và THCS Nguyễn Duy Hiệu (xã Bình Định Bắc).

Ông Trương Công Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, cho hay: “Việc sắp xếp các trường TH và THCS nhằm đảm bảo đến năm 2025 mạng lưới trường, lớp các cấp học trên địa bàn huyện phải được quy hoạch, sắp xếp hợp lý. Mục đích tất cả học sinh trong độ tuổi đến trường đều được theo học tại các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp cũng sẽ đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, tăng tỷ lệ trẻ ra lớp, trẻ em được học theo độ tuổi, góp phần thực hiện thành công kế hoạch và lộ trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương”.

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC