Nâng chất sự nghiệp trồng người

XUÂN PHÚ 05/07/2021 10:00

Nghị quyết 164 (1.11.2016) của HĐND TP.Tam Kỳ về Đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2016 - 2020 đã mang lại sinh khí mới, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất trường lớp.

Giải thưởng Phan Châu Trinh tạo động lực cho việc học đối với công dân Tam Kỳ. Ảnh: X.P
Giải thưởng Phan Châu Trinh tạo động lực cho việc học đối với công dân Tam Kỳ. Ảnh: X.P

Lấy lại ngôi vị dẫn đầu

Thời gian qua, UBND TP.Tam Kỳ đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm thu thập ý kiến đóng góp từ các nhà giáo đang công tác, nghỉ hưu, phụ huynh, HS để xem xét tiếp tục ban hành đề án mới về phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm đô thị tỉnh lỵ.

Giữa tháng 6 vừa qua, TP.Tam Kỳ tổ chức tuyên dương, khen thưởng 144 học sinh (HS) đạt thành tích xuất sắc năm học 2020 - 2021; trong đó có 43 HS đoạt giải khuyến khích quốc gia, giải nhì cấp tỉnh, 68 HS đoạt giải ba cấp tỉnh và 33 HS có thành tích xuất sắc tiêu biểu các trường.

Một buổi lễ trang trọng khi lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố trực tiếp động viên, trao thưởng cho các gương mặt tài năng với số tiền hơn 107 triệu đồng (các mức thưởng 1 triệu đồng, 700 nghìn đồng và 500 nghìn đồng). Ngoài ra, Hội Khuyến học thành phố dành phần thưởng 500 nghìn đồng/suất nhằm động viên 29 HS có nhiều nỗ lực vượt khó, học tốt của các trường THPT, THCS, tiểu học.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng phòng GD-ĐT Tam Kỳ cho biết, đây là đợt khen thưởng thứ 2 trong năm và đối tượng là các HS đoạt giải khuyến khích quốc gia, giải nhì, giải ba cấp tỉnh, HS có thành tích xuất sắc tiêu biểu ở các trường.

Riêng những HS giành giải cao tại kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa gồm giải nhất, nhì, ba quốc gia, giải nhất cấp tỉnh sẽ được thành phố trao giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2021 vào tháng 8 tới bên cạnh những người đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ và sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc. Đây là giải thưởng khá danh giá duy trì trong suốt 19 năm qua nhằm tôn vinh người tài của thành phố.

Năm học 2020 - 2021 được xem là thành công nhất trong vài năm gần đây của ngành GD-ĐT Tam Kỳ. Sau vài năm đánh mất vị thế của mình ở kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh, Tam Kỳ đã lấy lại ngôi đầu tại kỳ thi năm học 2020 - 2021.

Dù chưa thể hiện sự vượt trội so với các địa phương xếp sau, tuy nhiên vị thứ nhất toàn đoàn với 65 giải (trong số 100 HS dự thi), bao gồm 3 nhất, 21 nhì, 15 ba và 26 khuyến khích đã là thành tích đáng khen cho nỗ lực của thầy và trò ở các trường học trên địa bàn. Ông Lộc chia sẻ thêm, đáng phấn khởi hơn là tất cả 10 trường THCS của thành phố đều có HS mang về giải thưởng tại kỳ thi vừa qua.

Đòn bẩy từ Nghị quyết 164

HĐND TP.Tam Kỳ đã ban hành Nghị quyết 164 về đề án phát triển giáo dục thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Theo đánh giá của UBND thành phố, nhờ thực hiện Nghị quyết 164, không chỉ gặt hái được kết quả khả quan trong nâng cao chất lượng, sự nghiệp giáo dục mà còn tạo nhiều chuyển biến về phát triển mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất.

Đến thời điểm này, bên cạnh hệ thống 37 trường công lập, trên địa bàn còn hình thành hệ thống ngoài công lập với 7 trường mầm non, 1 trường liên cấp tiểu học, THCS, THPT (Trường Song ngữ quốc tế Quảng Nam Academy) đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, HS.

Mục tiêu xây dựng trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa cũng có nhiều kết quả tích cực với 100% trường học được tầng hóa, 35/37 trường đạt chuẩn quốc gia (2 trường mầm non chưa đạt chuẩn do đang đầu tư xây dựng mới). Tam Kỳ là địa phương có 100% trường tiểu học, THCS dạy 2 buổi/ngày, tạo tiền đề vững chắc cho việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Nghị quyết 164 của HĐND TP.Tam Kỳ sau 4 năm triển khai thật sự đã tạo đòn bẩy nâng tầm vị thế giáo dục Tam Kỳ, từ kết quả thi HS giỏi, phổ cập giáo dục đến đầu tư xây dựng trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Thực hiện Đề án phát triển giáo dục thành phố giai đoạn 2016 - 2020, Tam Kỳ đã đầu tư tổng cộng hơn 278 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị. Một số trường được đầu tư nguồn kinh phí lớn như Tiểu học Võ Thị Sáu (hơn 51 tỷ đồng), Mầm non Sơn Ca, Tuổi Thơ, Họa My, Tiểu học Ngô Gia Tự, Ngô Quyền (mỗi trường 14 - 15 tỷ đồng).

Trong báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 164, Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Nguyễn Hồng Lai cho rằng, tuy còn một số tồn tại, hạn chế, song nhìn chung, ngành giáo dục thành phố đã có chiều hướng phát triển tốt, mạng lưới trường lớp ổn định; chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn ngày càng cao; xây dựng trường chuẩn, phổ cập giáo dục được tập trung đầu tư quyết liệt.

XUÂN PHÚ