Cần tiếp tục chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên
Nghị quyết 50 (6.12.2018) của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đối với trẻ mầm non, học sinh (HS), sinh viên người dân tộc thiểu số, HS khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh kết thúc vào ngày 31.5.2021. Vậy có cần tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo?
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT, trước hết phải khẳng định đây là một chính sách rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của tỉnh, nhất là đối với việc học của con em người dân tộc thiểu số, HS khuyết tật.
Bởi mục tiêu của Nghị quyết 50 là nhằm hỗ trợ những đối tượng là trẻ em mầm non, HS phổ thông người dân tộc thiểu số không được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ của Trung ương, cụ thể là chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo theo Nghị định 06 (5.1.2018) và chính sách hỗ trợ cho HS ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 (18.7.2016).
Trong khi đó, thực tế gia đình các em gặp rất nhiều khó khăn, điều kiện học tập rất hạn chế, nguy cơ bỏ học cao nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Theo nghị quyết này, tỉnh hỗ trợ đối với trẻ mầm non tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/tháng, HS phổ thông ngoài tiền ăn trưa bằng 20% mức lương cơ sở/tháng, còn chi phí học tập 120 nghìn đồng/năm học. Riêng HS - sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ học bổng bằng 100% mức lương cơ sở/tháng và tiền đi lại 200 - 300 nghìn đồng/năm.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, từ học kỳ II năm học 2018 - 2019 đến hết năm học 2020 - 2021 có hơn 58.700 trường hợp được hưởng chế độ hỗ trợ của tỉnh với tổng kinh phí gần 130 tỷ đồng.
Đánh giá về hiệu quả của chính sách, ông Tuấn cho rằng Nghị quyết 50 đã kịp thời hỗ trợ HS trong học tập, mua sắm dụng cụ, sách vở, động viên các em bám trường, bám lớp và phấn đấu học tập tốt hơn.
Chính sách hỗ trợ này có tác động tích cực đến công tác dạy và học ở miền núi, vừa giúp HS an tâm học tập, vừa tạo động lực cho người dân thiểu số phấn đấu thoát nghèo bền vững.
Với ý nghĩa nhân văn đó, rất cần thiết tiếp tục ban hành nghị quyết mới nhằm kịp thời hỗ trợ cho trẻ em mầm non, HS, sinh viên người dân tộc thiểu số, HS khuyết tật chưa được hưởng chế độ từ Trung ương đến trường, tạo động lực để các em nỗ lực học tập.
Theo dự thảo đề án mới đang được Sở GD-ĐT xây dựng nhằm thay thế Nghị quyết 50 hết hiệu lực, sẽ nâng mức chi cho trẻ mầm non, giữ nguyên mức chi cho HS phổ thông và giảm đối với HS - sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Nhiều lãnh đạo các huyện miền núi cũng đồng tình với đề xuất nên tiếp tục thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ HS người dân tộc thiểu số đến trường.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang còn kiến nghị tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ cao hơn nhằm giúp con em có điều kiện thuận lợi trong việc ăn ở và học tập, góp phần hạn chế tình trạng bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.