Sân khấu hóa tác phẩm văn học
Xuất phát từ yêu cầu thay đổi phương pháp dạy và học môn Văn cũng như nâng cao năng lực giao tiếp tiếng Việt và năng lực cảm thụ văn học; trước khi năm học 2020 - 2021 khép lại, Sở GD-ĐT đã tổ chức cuộc thi “Văn học - học văn” dành cho khối THPT và THCS toàn tỉnh.
Đây là lần đầu tiên việc dạy văn được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa tác phẩm trong chương trình giáo dục phổ thông.
Theo ông Lê Văn Hiệp (chuyên viên Phòng THPT, Sở GD-ĐT), lãnh đạo các trường cũng như đội ngũ giáo viên dạy văn và học sinh đã hưởng ứng tích cực bằng việc triển khai tổ chức cuộc thi cấp trường nhằm chọn ra những tiểu phẩm hay, những gương mặt học sinh có khả năng diễn xuất, giao tiếp, ứng xử nhanh… để tham gia cuộc thi cấp tỉnh.
Cuộc thi thu hút 18 phòng GD-ĐT, 54 trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú đăng ký dự thi với gần 700 học sinh tham gia.
Nhiều nét mới
Với phương châm “Học một cách lý thú chính là chơi, chơi một cách có ích chính là học”, kịch bản cuộc thi có sự đổi mới về hình thức, nội dung so với hội thi thuyết trình văn học những năm trước đây với 2 nội dung thi: tiểu phẩm và phần thi kiến thức, kỹ năng thuyết trình.
Theo đó, tiểu phẩm tham gia cuộc thi được xây dựng từ nội dung hoặc sáng tạo từ tác phẩm văn học, đảm bảo các chuẩn mực đạo đức, pháp luật, có giá trị giáo dục, thẩm mỹ và nhân văn.
Phần thi kiến thức, kỹ năng thuyết trình là các đề tài liên quan đến giá trị của tác phẩm văn học được chọn để xây dựng tiểu phẩm. Về hình thức, phần thi tiểu phẩm sử dụng rộng rãi các hình thức thể loại kịch nói, dân ca kịch, kịch thơ, tuồng, chèo, hoạt cảnh sân khấu… Phần thi kiến thức, kỹ năng thuyết trình, học sinh dự thi bắt thăm đề tài và trình bày ngay sau phần thi tiểu phẩm.
Tác phẩm văn học luôn có một vẻ đẹp riêng, đặc biệt được xây dựng thành tiểu phẩm sân khấu thì có sức hấp dẫn khác biệt. Điều này đã được minh chứng tại cuộc thi “Văn học - học văn” lần đầu tiên được tổ chức khi hàng trăm học sinh và thầy cô giáo dự khán rất hứng thú, thậm chí ngạc nhiên về các tác phẩm văn học mình đã được học.
Những câu chuyện, nhân vật như từ trong tác phẩm bước ra đời thực hiển hiện ngay trên sân khấu với trang phục, đạo cụ, bối cảnh, không gian và thời gian bàng bạc văn chương… như một dẫn dụ hấp dẫn để tác phẩm văn học thăng hoa.
Trải nghiệm cảm xúc
Em Trần Thị Huệ (diễn viên trong tiểu phẩm “Vũ Như Tô”, Trường THPT Lý Tự Trọng) cho biết: “Khi tham gia cuộc thi này em đã được trải nghiệm rất nhiều, học hỏi được nhiều kiến thức và có dịp thể hiện kỹ năng của bản thân. Học văn theo hướng này giúp em hiểu tác phẩm sâu sắc hơn so với cách tiếp cận bình thường như đã học. Những cảm xúc nhân vật biểu đạt trong tác phẩm được truyền đến tâm tư, tình cảm của em một cách mạnh mẽ…”.
Còn em Nguyễn Đỗ Anh Thư (học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông) thì cảm nhận tác phẩm văn học “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi trong tiểu phẩm mang tên “Việt sử kiêu hùng”: “Mặc dù vẫn giữ nguyên tư tưởng, quan điểm mà tác giả gửi vào tác phẩm nhưng trong “Việt sử kiêu hùng” được xây dựng thành tiểu phẩm và trình diễn trên sân khấu, chúng em đã có những sáng tạo thú vị để cảm nhận được sự sống động và chân thực của tác phẩm này…”.
Nhiều trường đã tổ chức tốt việc xây dựng kịch bản tiểu phẩm nên đã tạo được nhiều tiểu phẩm sân khấu hoành tráng, có lực lượng diễn viên tham gia khá đông.
Ví dụ tiểu phẩm “Việt sử kiêu hùng”- được sáng tạo từ tác phẩm văn học “Bình Ngô đại cáo” của thi hào Nguyễn Trãi của Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông; Trường THPT Trần Văn Dư với tiểu phẩm “Hai đứa trẻ” trong tác phẩm văn học của nhà văn Thạch Lam; Trường THPT Trần Phú với “Âm mưu và tình yêu”, tiểu phẩm được chuyển thể dựa trên cốt truyện của tác phẩm văn học An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy; Trường THPT Khâm Đức với tiểu phẩm “Còn chút nắng trong em” dựa theo truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” hay Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm với tiểu phẩm “Chí Phèo” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao… Tất cả trở nên sống động trên sân khấu, tạo một không khí tiếp cận tác phẩm văn học hấp dẫn, hiệu quả.
Ông Lê Văn Hiệp khẳng định: “Cuộc thi giúp học sinh trải nghiệm, khám phá năng lực bản thân, định hướng và khơi dậy trong các em những mơ ước về tương lai. Đây cũng là minh chứng cho sự hấp dẫn, độ mở của hoạt động dạy học văn trong nhà trường”.