Vận hành Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh
Ngày 26.4 tới, Sở GD-ĐT sẽ khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC Edu). Dịp này, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT có những chia sẻ với PV Báo Quảng Nam những câu chuyện chung quanh trung tâm này.
Ông Hà Thanh Quốc cho biết, IOC Edu có chức năng cung cấp các thống kê, báo cáo, tra cứu hồ sơ, đồng bộ dữ liệu bằng công cụ thông minh, trực tuyến. Giám sát, đưa ra các cảnh báo đa chiều thông minh; hỗ trợ công tác quản lý, điều hành; tự động đồng bộ cơ sở dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD-ĐT, kết nối liên thông với Trung tâm điều hành thông minh IOC Quảng Nam. Ngoài ra, IOC Edu còn quản lý gửi thông báo đến các cấp đơn vị của ngành giáo dục Quảng Nam, tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập.
Xây dựng dữ liệu trong chuyển đổi số
* Mục đích, ý nghĩa của việc đưa vào vận hành IOC Edu là gì? Sự đóng góp của trung tâm đối với công tác quản lý, điều hành của ngành, các hoạt động dạy và học ra sao, thưa ông?
Tạo điều kiện thuận lợi triển khai IOC Edu
VNPT là đối tác hợp tác triển khai IOC Edu của Sở GD-ĐT Quảng Nam.
Theo ông Trần Văn Tám - Giám đốc phòng Khách hàng tổ chức doanh nghiệp VNPT: thuận lợi khi triển khai IOC Edu là hiện tại gần 100% trường học trên địa bàn Quảng Nam đang dùng các phần mềm quản lý dạy và học của VNPT. Tuy nhiên, các trường chưa hoặc không sử dụng vnEdu trên địa bàn vẫn được cung cấp đầy đủ và thuận lợi các giải pháp. IOC Edu đã được Bộ GD-ĐT đồng ý kết nối dữ liệu và chính thức có thể đồng bộ dữ liệu sang cơ sở dữ liệu của bộ một cách tự động. Khi đưa vào sử dụng IOC Edu sẽ thuận lợi trong việc kết nối với Trung tâm IOC của tỉnh, các dữ liệu ngành sẽ được cập nhật dễ dàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã cung cấp 2 app cho giáo viên có thể sử dụng làm việc trên điện thoại thông minh thay vì trên máy tính như trước đây.
- Ông Hà Thanh Quốc: Thứ nhất, giúp cho việc quản lý dữ liệu tập trung, Sở GD-ĐT chỉ lấy số liệu, dữ liệu từ IOC Edu làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành của sở, các trường THPT, phổ thông DTNT trực thuộc và các phòng GD-ĐT trên toàn tỉnh. Thông qua IOC Edu, sở sẽ quản lý hiệu quả dữ liệu học tập từ các trường. Đây cũng là cơ sở dữ liệu thống nhất và duy nhất để quản lý thông tin của học sinh xuyên suốt quá trình học tập từ cấp học mầm non đến THPT.
Thứ hai là chia sẻ, kết nối dữ liệu với các hệ thống khác, nhất là cung cấp dữ liệu cho Trung tâm điều hành thông minh IOC Quảng Nam và đồng bộ tự động lên cơ sở dữ liệu quốc gia ngành GD-ĐT của Bộ GD-ĐT.
Thứ ba, khi IOC Edu vận hành sẽ giúp cho việc quản lý, điều hành của ngành GD-ĐT thông suốt và hiệu quả hơn; giúp cho sở giám sát việc số hóa trong ngành của các trường như hồ sơ, sổ sách điện tử, học bạ điện tử, sổ đầu bài điện tử, sổ liên lạc điện tử, thư viện điện tử, hóa đơn điện tử... Từ đó, tiến tới việc chuyển đổi số trong toàn ngành theo chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh về phát triển chính quyền số, xây dựng mô hình đô thị thông minh của tỉnh Quảng Nam.
* Sau khai trương và vận hành, ngành có giải pháp gì để đảm bảo việc khai thác hiệu quả?
- Ông Hà Thanh Quốc: Để đảm bảo việc triển khai IOC Edu hiệu quả, chúng tôi đề ra một số giải pháp quan trọng. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, các cơ quan, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, vai trò của CNTT trong giáo dục. Tăng cường sự tham gia của phụ huynh, tổ chức, công dân và doanh nghiệp cùng góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số trong ngành giáo dục mang lại. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT tại cơ quan Sở GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là hạ tầng mạng nhằm bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng. Đẩy mạnh và triển khai sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý trường học. Ngoài ra, xây dựng, ban hành các quy chế quản lý, hoạt động của IOC Edu. Bổ sung tiêu chí về ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý, phát triển chính quyền số vào trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại hằng năm của các đơn vị.
Nhiều thuận lợi
* Khi triển khai IOC Edu, ngành có gặp thuận lợi, khó khăn gì, nhất là về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực?
- Ông Hà Thanh Quốc: Về mặt thuận lợi, đó là hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành như máy tính, mạng internet, trang thiết bị CNTT cho dạy học tại các trường, các đơn vị thuộc, trực thuộc sở cơ bản đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực CNTT tại các đơn vị cũng đảm bảo cho việc vận hành, sử dụng, khai thác các chức năng của IOC Edu. Hầu hết các trường đã và đang sử dụng phần mềm quản lý trường học. Đây là nền tảng cơ bản cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung trong toàn ngành.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn như tâm lý của một số cán bộ quản lý, giáo viên ngại sử dụng CNTT để quản lý cũng như tác nghiệp, nhân lực quản lý trên lĩnh vực CNTT còn hạn chế. Hạ tầng mạng tại một số trường ở miền núi chưa đáp ứng, thiết bị máy tính, mạng internet còn thiếu thốn.
* Vậy thực trạng sử dụng CNTT của ngành hiện nay như thế nào, có giúp ngành đưa vào vận hành IOC Edu hiệu quả?
- Ông Hà Thanh Quốc: Qua khảo sát về hiện trạng ứng dụng CNTT của các cơ sở GD-ĐT trên toàn tỉnh, hiện nay, về hạ tầng CNTT cơ bản là bảo đảm; việc ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý từng bước được đẩy mạnh và chú trọng, như: hầu hết các trường đã và đang sử dụng phần mềm quản lý trường học. Sở đã xây dựng hệ thống quản lý thi để tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, tuyển sinh lớp 10; các trường sử dụng phần mềm quản lý ngân hàng đề thi; phần mềm chấm trắc nghiệm, phần mềm quản lý thiết bị, hệ thống tập huấn cho giáo viên… trong công tác quản lý, dạy và học. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT toàn tỉnh của sở cũng đang được hoàn thiện. Những yếu tố trên là điều kiện hết sức thuận lợi để đưa vào vận hành IOC Edu của sở.
Hạ tầng CNTT tại cơ quan Sở GD-ĐT gồm 51 máy tính, thiết bị mạng (Swicth, Hub, phát Wifi), 2 đường truyền FTTH 100Mbps. Hệ thống mạng LAN được xây dựng trong nội bộ cơ quan, kết nối đến tất cả phòng làm việc và phòng chức năng. Sở sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến bằng giải pháp phần mềm với các phần mềm như Cisco Webex Meeting (giữa sở với các đơn vị thuộc, các phòng GD-ĐT), Adobe Connect (với Bộ GD-ĐT). Hạ tầng CNTT tại các trường học, có hơn 14.800 máy tính kết nối internet.
Hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non đã được triển khai nhiều năm qua tại địa chỉ csdl.moet.gov.vn. Hiện nay, tất cả cơ sở giáo dục, các phòng GD-ĐT đều sử dụng và khai thác hiệu quả thông tin trong việc xây dựng dữ liệu, khai thác dữ liệu. Trong năm học 2019 - 2020, sở đã triển khai phần mềm quản lý thi và ngân hàng đề Master Test do Công ty Sao Sài Gòn cung cấp cho các đơn vị thuộc sở. Đối với các loại hồ sơ điện tử khác liên quan đến quản lý dạy và học, hiện nay hầu hết các trường học đều sử dụng các hệ thống quản lý học tập trực tuyến do VNPT (Vnedu), Viettel (Smas) và các tổ chức khác cung cấp. Các hệ thống này đều tích hợp chức năng quản lý hồ sơ sổ sách, sổ điểm, học bạ điện tử.