Đọc để học

LÊ QUÂN - PHÚ THIỆN - VĂN THỌ - TÂM THƯ 17/04/2021 05:34

Vun đắp thói quen đọc sách bằng việc gắn văn hóa đọc với công tác giảng dạy, nuôi dưỡng tình yêu sách thông qua các hoạt động được tổ chức hằng ngày đang được nhiều trường học ở Quảng Nam triển khai. Trong đó, kích hoạt hệ thống thư viện trường học lẫn thư viện công cộng chính là cách đầu tiên để phát triển văn hóa đọc trong nhiều lớp tuổi...

Học sinh thích thú với việc đọc sách.
Học sinh thích thú với việc đọc sách.

TỪ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC

Văn hóa đọc trong nhà trường chỉ có thể phát triển nếu hệ thống thư viện trường học vận hành theo hướng mở, phù hợp với nhu cầu của từng lứa tuổi học sinh...

Thư viện hay  “kho sách”? 

Quảng Nam hiện có đến 512 trường công lập bậc phổ thông nhưng chỉ có 167 thư viện được công nhận là thư viện trường học đạt chuẩn. Nhìn nhận từ Sở GD&ĐT, dù ngành giáo dục Quảng Nam đã triển khai công tác xây dựng thư viện trường học đạt chuẩn theo yêu cầu từ Bộ GD&ĐT nhưng cho đến năm học 2019 - 2020, số trường học có thư viện đạt chuẩn chỉ chiếm chưa đến 1/3 tổng số trường học.

Thực trạng nhiều thư viện trường học hiện nay là không được đầu tư cơ sở vật chất tương xứng, sách phục vụ học sinh, trang thiết bị nghèo nàn, nhiều sách đọc mang tính giáo khoa, hàn lâm, mà thiếu các đầu sách trang bị kỹ năng, khoa học thường thức, giải trí. Trong khi đó, thư viện được đầu tư về cơ sở vật chất, nhưng vẫn không thu hút được học sinh. Nguồn sách trong thư viện phần lớn là phục vụ nhu cầu giảng dạy của giáo viên, mức độ quan tâm của nhà trường tới văn hóa đọc chưa đúng mức.

Sở GD&ĐT nhận định mô hình và hoạt động của thư viện hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đọc sách và xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh. Thời gian đọc sách của học sinh tại trường rất ít, cũng rất ít học sinh hiểu và rung động sâu sắc với nội dung tác phẩm hoặc mong muốn được trải nghiệm những điều mình đã lĩnh hội được trong sách vào cuộc sống.

Đọc sách tại một thư viện trường học.
Đọc sách tại một thư viện trường học.

Thầy giáo Nguyễn Phi Cửu - giáo viên văn tại xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn) cho biết, nhu cầu đọc sách để bồi dưỡng thêm kiến thức văn chương cho học sinh, nhất là các em ở vùng quê rất lớn. Bởi tại những nơi này, hoạt động ngoại khóa không nhiều như tại các trường học ở đô thị, do đó, việc đầu tư cho hệ thống thư viện là điều nên làm.

Theo ông, thư viện trường học đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh. Tuy nhiên, việc vận hành thư viện hiện tập trung vào các yếu tố như cơ sở vật chất, sách, hướng dẫn nghiệp vụ... nhiều hơn là tập trung vào đối tượng sử dụng là người đọc.

Thư viện - không gian mở

Ngành giáo dục Quảng Nam đã xây dựng đề án về “Phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025” và sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét trong nay mai. Với quan điểm thư viện không chỉ là không gian đọc sách mà còn là không gian mở để học sinh có thể chia sẻ kiến thức thông qua các hoạt động nhóm, là nơi mà các em có thể hình thành và thực hiện các ý tưởng sáng tạo, phát triển các kỹ năng khác như viết vẽ, tìm hiểu và tra cứu thông tin...

Thư viện cũng cần được kết nối chặt chẽ với chương trình học để bổ trợ cho việc học của học sinh được tốt hơn. Thông qua các hoạt động tại thư viện, các em sẽ có được những trải nghiệm thú vị nhằm bổ sung tốt hơn cho chương trình học chính khóa. 

Một môi trường đọc cho học sinh sẽ được đầu tư ở nhiều hạng mục khác nhau. Theo đề án, các thư viện sẽ mở rộng diện tích phòng đọc đảm bảo theo quy định, tạo không gian đọc thoải mái và đủ cho học sinh của 1 lớp tham gia. Mô hình Thư viện thân thiện của tổ chức Room to read sẽ được ngành giáo dục áp dụng cho các trường học. Mô hình này với 3 yếu tố đảm bảo gồm phân loại sách truyện thiếu nhi theo trình độ học sinh, tổ chức tiết đọc thư viện, trang thiết bị thư viện thân thiện với trẻ để thể hiện sự thân thiện từ cơ sở vật chất, thái độ, hệ thống và hoạt động.

Bên cạnh đó, chất lượng vốn tài liệu trong thư viện sẽ được lựa chọn, bổ sung những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục. Đối với các huyện miền núi sẽ có tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa do Bộ GD&ĐT biên soạn và các tài liệu tham khảo khác phù hợp, thân thiện với học sinh người dân tộc thiểu số bổ sung cho thư viện.

THƯ VIỆN THÂN THIỆN

Nhiều năm nay, một số trường học của Quảng Nam đã bắt tay vào xây dựng mô hình “thư viện thân thiện”. Không chỉ vậy, nhiều trường học chủ động đưa “tiết đọc thư viện” vào chương trình học chính khóa cho học sinh.

Học sinh thích thú với Tiết đọc tại Thư viện thân thiện ở trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.
Học sinh thích thú với Tiết đọc tại Thư viện thân thiện ở trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.

Cô Bùi Thị Diễm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP.Tam Kỳ) cho biết, hằng tháng, các em học sinh của mỗi cấp học đều có 2 tiết đọc tại thư viện. “Chúng tôi bố trí tiết đọc sách theo thời khóa biểu của học sinh, mỗi cấp học đều có 2 tiết đọc tại thư viện hằng tháng. Ngoài ra, chúng tôi xây dựng tủ sách lớp học ở mỗi lớp. Các em có thể đọc trong giờ nghỉ trưa. Tại thư viện, chúng tôi vận hành theo mô hình Room to read, phòng đọc sách đủ thoáng rộng cho 1 lớp học” - cô Bùi Thị Diễm nói. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết: “Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”. Do đó, tạo thói quen đọc sách ngay từ bé bằng các hoạt động thú vị, phù hợp lứa tuổi của trẻ liên quan đến sách, chính là cách bắt đầu để xây dựng thói quen đọc sách.

Nhìn nhận việc đọc sách tạo môi trường học tập tích cực cho học sinh, giúp các em khám phá và hình thành kỹ năng tự học cho bản thân, nhiều năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã có nhiều hoạt động nhằm kích thích văn hóa đọc trong học sinh.

Em Bùi Minh An - học sinh lớp 3/3 cho biết, em rất thích thú mỗi khi đến tiết đọc tại thư viện hàng tuần. Ở đây, các em được đọc nhiều loại sách khác nhau, từ truyện tranh, sách về các tấm gương hiếu thảo.

Không chỉ vậy, thư viện còn có góc viết vẽ. Sau khi đọc xong một cuốn truyện, các em có thể sử dụng giấy và màu ở chính nơi đây để vẽ lại hình ảnh thích nhất trong truyện, kèm theo chú thích. Điều này giúp các em rèn luyện tư duy, năng khiếu mỹ thuật và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Những sản phẩm được trưng bày ngay tại thư viện theo từng khối lớp. Cùng với đó, thư viện còn có góc trò chơi với những trò chơi dân gian quen thuộc như ô ăn quan hay cờ vua... 

Đa số trường Tiểu học ở nhiều địa phương đang cố gắng xây dựng mô hình thư viện thân thiện theo kiểu vận hành Room to read. Nhiều giáo viên nhìn nhận, từ khi có “Thư viện thân thiện”, cứ mỗi giờ ra chơi, học sinh của trường lại đến thư viện để đọc sách. Không ai bảo ai, các em tự giác để dép ở ngoài và xếp ngăn nắp. Tại phòng đọc, nhà trường trang trí các bức tường bằng những bức bích họa dựa theo các câu chuyện cổ tích các em đã đọc hoặc được học cùng phong cảnh thiên nhiên quen thuộc. Có 6 mã màu dành cho các em học sinh từ lớp 1 - 5, dựa theo đó các em có thể dễ dàng tìm được cuốn sách phù hợp với bản thân.

MANG SÁCH LÊN NON

Trải qua một năm im vắng vì dịch bệnh Covid-19, những chuyến xe thư viện lưu động của Thư viện Quảng Nam đang bắt đầu vận hành trở lại. 

Xe thư viện lưu động mang tri thức đến vùng cao. Ảnh: THỌ THIỆN
Xe thư viện lưu động mang tri thức đến vùng cao. Ảnh: THỌ THIỆN

Với chiếc xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh Quảng Nam, những ngày này, nhiều học sinh trên huyện miền núi Nam Trà My đã có những buổi học tập, trải nghiệm khó quên. Đây được đánh giá là phương pháp hiệu quả, giúp các em học sinh vùng sâu - vùng xa được tiếp cận với sách, tiếp cận với kho tri thức vô tận.

Trong chuyến đi thứ tư lên vùng cao Nam Trà My, các cán bộ của Thư viện tỉnh Quảng Nam vẫn đầy tâm huyết với chương trình lần này. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, cán bộ phụ trách thư viện lưu động cho biết, trên chiếc xe lưu động này là một thư viện lớn, không chỉ có sách mà còn có cả DVD, CD, các tài liệu điện tử, máy tính, hình ảnh, bản đồ, đồ chơi, các tờ rơi... Các giá sách trên xe có hơn 3000 bản sách.

“Khi sách đi đến các vùng sâu vùng xa sẽ có những lợi ích nhất định. Ở các trường hầu hết đã đầu tư số lượng sách cho các em, tuy nhiên sách trên xe thư viện lưu động sẽ tạo thêm sự phong phú và hứng thú cho các em bằng hình thức mới lạ, giúp cho các em có niềm đam mê, khơi dậy hứng thú đọc sách từ đó giúp các em có thể phát triển văn hóa đọc trong tương lai” - Chị Hiền chia sẻ.

Ngay từ sáng sớm, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo tất cả học sinh của trường tiểu học Trà Tập say sưa, thích thú đọc những cuốn sách mình chọn từ xe thư viện lưu động.  Với hình thức “phục vụ” linh động, và mới lạ, xe thư viện giúp các em học sinh ở nơi còn rất nhiều khó khăn như Trà Tập rất phấn khởi và hứng thú trong việc đọc sách và cũng là dịp để các em tiếp cận với thư viện hiện đại với kỹ năng tìm sách và đọc sách trên nền tảng internet.

Cô Trà Thị Thu, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Trà Tập chia sẻ, trong mỗi tuần trường cũng dành thời gian tổ chức tiết đọc sách cho học sinh, giúp các em hình thành thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Những chuyến xe thư viện lưu động đem “tri thức” đến các em học sinh trên huyện miền núi Nam Trà My đã và đang góp phần không nhỏ vào việc giúp các em học sinh vùng sâu vùng xa được tiếp cận với thông tin và rút ngắn khoảng cách hưởng thụ dịch vụ thư viện giữa học sinh đồng bằng và miền núi.

CẤP THIẾT KHÔI PHỤC VĂN HÓA ĐỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định: “Tôi cho rằng cần cấp thiết khôi phục văn hóa đọc (VHĐ) trong thời đại công nghệ 4.0 và phát triển VHĐ cho học sinh trong nhà trường phổ thông. Đây là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy - học, giúp cho giáo viên, học sinh đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn và lối sống văn hóa lành mạnh cho học sinh.

 

Các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động để hình thành VHĐ cho học sinh, phát động phong trào đọc sách dưới nhiều hình thức: một số đơn vị đã tổ chức thực hiện tốt ngày Sách Việt Nam (21.4), thi kể chuyện theo sách, tuyên truyền giới thiệu sách, triển lãm sách, thi vẽ tranh theo sách. Bên cạnh đó nhiều thư viện trường học cũng đã phối hợp với các đoàn thể địa phương tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo, bảo vệ môi trường, giáo dục văn hóa truyền thống, lịch sử địa phương, giáo dục an toàn giao thông...

Tuy vậy, với thực trạng thư viện các trường chưa có cấu trúc và mô hình hoạt động đáp ứng được nhu cầu thực tế của người đọc, môi trường đọc, kỹ năng đọc của học sinh còn nhiều hạn chế, thực trạng VHĐ của học sinh còn rất hạn chế.  Tôi cho rằng, đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức tiếp nhận thông tin, kiến thức mà còn là một hoạt động văn hóa. Thực trạng VHĐ trong nhà trường ảnh hưởng đến nhu cầu giải trí, quá trình tích lũy tri thức, hình thành nhân cách và sự phát triển toàn diện của học sinh”.

* Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Ông Hà Thanh Quốc: Những hạn chế phổ biến của việc phát triển VHĐ trong ngành giáo dục nói riêng có nhiều nguyên nhân. Đó là chưa hình thành được chiến lược và kế hoạch phát triển VHĐ trên bình diện giáo dục. Chưa có một đề án hoạt động nào xây dựng thói quen đọc có hệ thống, chưa tiến hành giáo dục kỹ năng đọc có hệ thống từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học. Chưa hình thành được các chương trình khuyến đọc trên phạm vi ngành như tổ chức tháng đọc sách, tổ chức định kỳ các hội sách, đọc sách tại các thư viện xanh, không gian mở trên phạm vi khu vực hoặc tỉnh...

Đọc sách đối với học sinh phổ thông vẫn luôn được khẳng định là một nhu cầu thiết yếu với những thế mạnh riêng của nó, một cách thưởng thức văn hóa có chiều sâu, là phương cách tốt nhất để học sinh tự làm giàu kiến thức.

* Việc đầu tư của ngành cho hệ thống thư viện trường trong những năm qua và thời gian đến như thế nào?

Ông Hà Thanh Quốc: Trong thời gian qua, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã triển khai công tác xây dựng thư viện đạt chuẩn. Tính đến thời điểm năm học 2019 - 2020, cấp Tiểu học (TH) có 84 thư viện; cấp THCS có 60 thư viện, cấp THPT có 23 thư viện được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên hầu hết trang thiết bị các thư viện nhà trường đã cũ và không phù hợp với mô hình thư viện mở hiện nay. Mặc dù thư viện là một trong những tiêu chí để công nhận một trường TH đạt tiêu chuẩn “Trường chuẩn quốc gia”, nhưng thực tế ở nhiều trường học thư viện đóng vai trò là một kho sách hơn là thư viện phục vụ học sinh.

Thời gian đến chúng tôi chỉ đạo thực hiện đồng bộ 7 giải pháp: đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc. Xây dựng môi trường đọc, xây dựng phòng đọc học sinh của thư viện trường với mô hình cụ thể phù hợp từng cấp học. Trang bị kỹ năng và phương pháp đọc cho học sinh, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn để phát triển VHĐ cho học sinh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển văn hóa đọc và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ/nhân viên thư viện trường học.

* Ông cho biết tầm nhìn và định hướng phát triển VHĐ trong hệ thống trường học?

Ông Hà Thanh Quốc: Bộ GD-ĐT đang dự thảo các quy định về thư viện đạt chuẩn để thay thế Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT (dự thảo chú trong hơn các nội dung về tổ chức hoạt động của thư viện, tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cho thư viện đáp ứng phát triển VHĐ trong nhà trường…). Quảng Nam cũng đang dự thảo đề án Phát triển VHĐ cho học sinh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Để phát triển VHĐ trong giai đoạn mới, chúng tôi đang chỉ đạo thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ chính. Đó là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong học sinh các trường phổ thông; cải thiện môi trường đọc; giúp các em trở thành người đọc độc lập, tăng vốn hiểu biết, phát triển tư duy. Xây dựng hệ thống thư viện trường học với các tiêu chí mới góp phần tích cực đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển VHĐ trong nhà trường và cộng đồng; đồng thời khuyến khích học sinh tìm hiểu, thực hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.

LÊ QUÂN - PHÚ THIỆN - VĂN THỌ - TÂM THƯ