Những mái trường “xanh”

XUÂN LAN 12/04/2021 08:18

Trường học “xanh” là ngôi trường cho học sinh có nhiều cơ hội được trải nghiệm sống gần gũi với thiên nhiên, tạo nên ý thức và thói quen thực hành tiết kiệm năng lượng, gìn giữ bảo vệ môi trường thiết thực và bền vững.

Giám đốc Trần Quốc Bảo (ngoài cùng bên phải) cùng đối tác nghiệm thu hệ thống điện mặt trời áp mái Trường Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN LAN
Giám đốc Trần Quốc Bảo (ngoài cùng bên phải) cùng đối tác nghiệm thu hệ thống điện mặt trời áp mái Trường Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN LAN

Điện mặt trời áp mái trường

Đầu năm 2020, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) được Dự án phát triển năng lượng mặt trời (DSED) do Liên minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ áp mái dãy nhà công nghệ thông tin (CNTT) và thực hành tin học.

Qua 3 tháng đầu cho thấy, tổng sản lượng điện tạo ra được 4.398kWh, tiết kiệm 20 - 25% nhu cầu sử dụng điện của nhà trường. Đó chỉ là một trong 14 đơn vị do Dự án DSED tài trợ hệ thống điện mặt trời áp mái nhà, với tổng công suất 70,4kWp, có tổng vốn hơn 444 nghìn Euro (hơn 12 tỷ đồng), được Sở KHCN TP.Đà Nẵng tiếp nhận và triển khai hoàn thành trong 3 năm (2017 - 2020).

Mỗi năm tổng sản lượng điện tạo ra đạt 102.784kWh, tiết kiệm điện năng 153 triệu đồng/năm, bình quân tiết kiệm được 26 triệu đồng/cơ sở công và 8,6 triệu đồng/hộ gia đình. Qua đó, giúp hơn 4 nghìn bệnh nhân, giáo viên và học sinh được hưởng lợi từ dự án, góp phần lan tỏa và nhân rộng ứng dụng nguồn năng lượng sạch và bền vững tại TP.Đà Nẵng trong những năm qua.

Trường phổ thông nhiều cấp học Hoàng Sa (tại thôn Hà Dừa, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) là trường ngoài công lập của Quảng Nam đi đầu trang bị và sử dụng điện mặt trời áp mái. Trường Hoàng Sa có tổng diện tích 5ha, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng (3 giai đoạn) được thành lập vào cuối năm 2010, nay thuộc sở hữu Công ty CP Tập đoàn Kinh tế - giáo dục Martin.

Trong 10 năm qua, Trường Hoàng Sa đã trở thành địa chỉ tin cậy cho học sinh - phần lớn là con em người lao động trong Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Vào tháng 2.2020, Martin đã trang bị hệ thống điện mặt trời áp mái khu nhà 3 tầng của trường với tổng diện tích xấp xỉ 2.000m2 , công suất 300kWp, tổng kinh phí đầu tư hơn 5,4 tỷ đồng.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Trung, với số giờ nắng trung bình từ 1.600 - 2.600 giờ/năm, chế độ bức xạ trung bình 4,3 - 5,5kWh/m2/ngày thì công suất 300kWp sẽ tạo ra nguồn điện năng rất lớn (xấp xỉ 1.500kWh/ngày) đảm bảo mọi hoạt động của nhà trường. Hệ thống điện mặt trời áp mái còn có tác dụng làm mát và bảo vệ mái nhà, tiết kiệm điện năng và tạo nguồn thu cho trường (có hòa lưới điện quốc gia)...

“Đây là mô hình thực tế để giáo dục học sinh sử dụng tiết kiệm điện, hướng tới môi trường xanh. Nếu tỉnh có chủ trương nhân rộng mô hình này trong các cơ sở trường học, trụ sở cơ quan, chúng tôi rất mong được hợp tác đầu tư” - ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Tập đoàn Martin kiêm Hiệu trưởng Trường Hoàng Sa chia sẻ.

Độc đáo Hệ sinh thái giáo dục Sky-Line

Là một trong những mô hình giáo dục xanh tiên phong tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên từ năm 2010, đến nay qua 10 năm không ngừng phát triển, Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-Line (TP. Đà Nẵng) đã trở thành một hệ sinh thái giáo dục hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến THPT. Trong năm 2020, hệ thống đồng thời ra mắt Trường SkyLine Beach - Liên Chiểu (số 199 Trần Anh Tông, TP.Đà Nẵng) và Trường Sky-Line Hills - Hội An trên cơ sở kết hợp công nghệ quản lý trường học thông minh và mô hình sinh thái. Trong đó, Sky-Line Hills - Hội An có tổng diện tích 5ha tại khu đô thị Hà My - Đông A (phường Điên Dương, thị xã Điện Bàn) trên cung đường du lịch ven biển Sơn Trà - Hội An.

Không chỉ giữ lại và khai thác triệt để lợi ích của các hàng cây phi lao, hệ thống cây xanh được tăng cường bên trong và ngoài khuôn viên trường sau khi dự án hoàn thiện. Nhờ đó, ngoài việc mang lại không gian tự nhiên nhất cho môi trường học, việc trồng và chăm sóc rừng dương ven biển còn giúp xây dựng “lá chắn” chống bão, chống cát bay, góp phần cải tạo đất, đem lại màu xanh cho những vùng có nguy cơ bị sa mạc hóa.

Bên cạnh đó, nhà trường còn sử dụng kết hợp giữa hệ thống điện lưới và điện mặt trời áp mái. Quảng Nam là khu vực có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Thiết kế xây dựng trường không chỉ tận dụng nguồn năng lượng mặt trời vào mùa khô, mà còn tận dụng được nguồn nước tự nhiên vào mùa mưa để tích trữ, sử dụng cho hồ nước, tạo nên môi trường học tập mát mẻ. Nước thải tại trường cũng được xử lý đạt chuẩn phục vụ tưới tiêu hệ thống cây xanh ở đây.

Bà Lê Thị Nam Phương - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Sky-Line cho biết, với hệ sinh thái “Trường trong rừng, rừng trong trường” kết hợp cùng chương trình “Phát triển năng lực cá nhân và xã hội Sky-Line”, các em học sinh có cơ hội được trải nghiệm hoạt động gần gũi với thiên nhiên như: CLB Mộc, CLB chế tác, CLB Nông dân tí hon… Nhờ đó, thế hệ tương lai sẽ tạo dựng thói quen và hành vi sống đẹp, sống chan hòa với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong mọi hoạt động.

XUÂN LAN