Học trò nghiên cứu khoa học kỹ thuật: Theo đuổi đam mê đến cùng

XUÂN PHÚ 07/02/2021 05:32

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học năm học 2020 - 2021 cấp tỉnh cho thấy học trò xứ Quảng hiện nay bên cạnh nhiệm vụ học tập còn đam mê cháy bỏng với nghiên cứu khoa học, sáng tạo. Điểm chung của các dự án đoạt giải đó là xuất phát từ thực tiễn, đặc biệt trăn trở trước những vấn đề bức thiết trong đời sống với ý nghĩa nhân văn. Báo Quảng Nam gặp gỡ với 7 tác giả của 4 dự án được trao giải nhất để nghe các bạn nói về mục đích, ý nghĩa, quá trình thực hiện cũng như những dự định trong thời gian tới.

Giám đốc Sở GD-ĐT tặng thưởng cho 7 tác giả đoạt giải nhất. Ảnh: X.P
Giám đốc Sở GD-ĐT tặng thưởng cho 7 tác giả đoạt giải nhất. Ảnh: X.P

Nguyễn Đặng Quốc Hưng - Nguyễn Thị Khánh Trúc (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm): Muốn khởi nghiệp bằng chính dự án

Năm 2019, Quốc Hưng và Khánh Trúc bắt đầu thực hiện dự án “Thiết bị tập phản xạ, thể lực và bộ pháp môn cầu lông” song ban đầu sản phẩm khá thô sơ vì kỹ thuật cơ khí còn kém, không thể thực hiện các mối hàn cơ khí chỉn chu, kể cả viết lập trình cũng vậy.

 

Với thiết bị này giúp huấn luyện viên cầu lông có thể đứng bên ngoài quan sát động tác di chuyển của người tập và cùng lúc tập luyện cho nhiều người.

Giải thích việc kết hợp giữa một người học chuyên Lý (Quốc Hưng lớp 12) và chuyên Hóa (Khánh Trúc lớp 11), Hưng nói Trúc từng là vận động viên năng khiếu cầu lông nên góp ý về kỹ thuật chạy, cách chạy trong quá trình thi đấu để viết lập trình vận hành của máy, cũng là người kiểm nghiệm máy hoạt động hiệu quả hay không.

Thiết bị này đang được Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng cho học sinh tập luyện, thậm chí còn bán ra thị trường tại một số địa phương như Thái Bình, Hà Nội, Quảng Ngãi với giá bán 1,5 - 2 triệu đồng/chiếc.

Quốc Hưng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm, hướng đến thống kê dữ liệu việc tập luyện; đồng thời hợp tác để phát triển trong thời gian tới, hy vọng một ngày nào đó đủ khả năng để khởi nghiệp bằng chính dự án này.

Nguyễn Đặng Quốc Hưng cũng là tác giả máy đo thân nhiệt tự động được đưa vào sử dụng tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 ở điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trần Anh Tuấn - Huỳnh Trọng Nghĩa (Trường THPT Lê Quý Đôn - Tam Kỳ): Cảnh báo sớm sạt lở núi

Mưa lũ gây sạt lở đất rất nhiều trong năm 2020 và những hình ảnh người dân trong thiên tai khiến đôi bạn thân Tuấn - Nghĩa trăn trở và cùng chung ý tưởng “Xây dựng bản đồ dự báo sạt lở núi ở huyện Hiệp Đức và hệ thống cảnh báo sạt lở núi tức thời theo thời gian ngắn”.

 

Cũng giống như dự báo thời tiết, dự án này dự báo cho người dân biết trong vòng vài ngày tới có nguy cơ sạt lở núi để di chuyển. Dù nghiên cứu về Hiệp Đức nhưng đề tài không giới hạn ở Hiệp Đức mà còn các địa phương khác như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước với mục tiêu giúp tạo dựng kế hoạch quy hoạch vùng dân cư một cách an toàn.

Đề tài dựa vào 6 yếu tố, trong đó 5 yếu tố rất khó thay đổi theo thời gian (như độ dốc, độ cao, loại đất…), chỉ có lượng mưa thay đổi và đây là yếu tố chính để hình thành nên bản đồ dự báo sạt lở núi trong 1 - 10 ngày tới cho từng địa phương (chủ yếu trong 3 tháng mưa nhiều nhất là 9, 10, 11).

Khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu là xây dựng các cảm biến và tự chế theo lý thuyết của riêng mình. Nhóm bạn đang tiếp tục cải tiến để tham gia vòng chung kết quốc gia. Thời gian tới sẽ đơn giản hóa bản đồ để người dân có thể sử dụng hoặc chuyển cho các cơ quan chuyên môn.

Nguyễn Thanh Hùng Cường - Huỳnh Phan Nhật Vy (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm): Học chuyên tin nhưng làm dự án về tiếng Anh

Lý giải vì sao học chuyên Tin song lại làm dự án về môn tiếng Anh (Ứng dụng mạng nơron nhân tạo và công thức bayes để xây dựng trợ lý ảo giúp học môn tiếng Anh), cả hai bạn Hùng Cường và Nhật Vy cho biết lấy cảm hứng từ mô hình ngôn ngữ được các anh chị sinh viên cuối khóa Trường Đại học Công nghệ thông tin thực hiện để nghiên cứu theo hướng riêng của mình.

 

Thực tế cũng một phần vì bản thân học không tốt môn tiếng Anh nên làm trước, thời gian tới tiếp tục nghiên cứu môn Tin và có thể là ngôn ngữ khác. Đây là một ứng dụng giải bài tập tiếng Anh trắc nghiệm, người sử dụng chỉ cần nhập câu hỏi thì chương trình sẽ đưa ra đáp án đúng; đồng thời thêm lời giải thích cũng như gợi ý cho câu hỏi không có đáp án.

Ngoài ra, ứng dụng này còn giúp học từ vựng mới với cách học khá trực quan, giúp nhớ lâu hơn so với học trên giấy. Theo các tác giả, hiện nay có nhiều dạng bài tập mà lên mạng không có đáp án hoặc muốn có phải bỏ tiền mua còn trang web này (tại địa chỉ itnbk-engfill.glitch.me) hoàn toàn miễn phí.

Hiện nay trang web chạy trên nền tảng miễn phí nên không thể cập nhật hết tính năng song rất vui khi lượng người truy cập khá nhiều (đến nay có khoảng 3.000 câu hỏi được người sử dụng đưa lên web).

Định hướng tiếp theo ngoài giải bài tập trắc nghiệm tiếng Anh còn có thể giải tất cả dạng bài tập trong bộ đề thi THPT như đọc hiểu, phát âm, viết lại câu. Ngoài ra, trong tương lai còn có thể phát triển giải bài tập tiếng Việt cho người nước ngoài. Được vinh dự đi thi toàn quốc, dù đạt giải hay không cũng quyết tâm phát triển ứng dụng này vì đây là niềm đam mê và chưa từng có suy nghĩ bỏ cuộc dù có lúc rất khó khăn.

Phan Văn Thiện (Trường THPT Lê Hồng Phong - Duy Xuyên): Mong người chăn nuôi bớt khổ

 

Chia sẻ về ý tưởng “Chuồng gà thông minh tự động chống chịu thiên tai sử dụng nguồn năng lượng mặt trời”, Phan Văn Thiện cho rằng đến nay đã có đề tài khoa học kỹ thuật với mô hình chuồng gà thông minh tự động trong lĩnh vực tin học nhưng trong lĩnh vực vật lý năng lượng chưa có dự án nào nghiên cứu. Chưa kể trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên tai cực đoan, dị thường xảy ra ở Việt Nam tác động rất lớn tới chăn nuôi.

Dự án nghiên cứu nhằm tạo ra một mô hình giúp người chăn nuôi gà tại các vùng bị thiên tai như lũ lụt, mưa bão, động đất, thời tiết cực đoan có thể sở hữu một trang trại gà với những chức năng thông minh tự động như nâng chuồng trại lên cao khi có lũ lụt xảy ra; hệ thống mái che đóng mở tự động khi trời mưa, thời tiết nóng, giá rét; hệ thống máy sưởi ấm, quạt làm mát, cho ăn… Toàn bộ hệ thống hoạt động hoàn toàn bằng nguồn năng lượng mặt trời, với các thiết bị cảm biến, ứng dụng phần mềm.

Trong số các dự án được trao giải nhất cuộc thi năm nay, Phan Văn Thiện là tác giả duy nhất của dự án. Cậu học trò ở xã Duy Hòa (Duy Xuyên) cho biết gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng nỗ lực theo đuổi đến cùng và khá bất ngờ khi được trao giải nhất cho dù đây là lần đầu tiên thực hiện.

XUÂN PHÚ