Điều ước mùa xuân...
Cuối tuần rồi tôi tham dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Đọc sách Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Tam Kỳ). Sau phần đọc, tìm hiểu về một số phong tục, tập quán ngày tết thông qua những câu chuyện cổ tích và tác phẩm văn học, học sinh viết ước mơ hoặc điều mong muốn trước thềm năm mới để gắn lên “cây điều ước” được bố trí ngay bên trong không gian buổi sinh hoạt.
Đa số các em ước học giỏi, mạnh khỏe, được điểm 10, mong gia đình hạnh phúc, mong ông bà sống lâu... Có những điều ước rất trẻ con và cũng rất thực tế, ví như “Con mong tết này được lì xì thật nhiều để mua một thứ mà con hằng mong ước”. Khi được hỏi “Thứ con hằng mong ước là gì?”, cô học trò lớp 4 này nói “Đó là điều bí mật nho nhỏ, có tiền lì xì con mới mua”. Tôi chợt nghĩ, giá như người lớn biết được điều cô học trò này mong ước để có thể giúp cô bé thực hiện được ước mơ.
Có những điều ước tưởng chừng bình thường, nhưng với trẻ con, đôi khi khó thực hiện: “Con ước được về quê thăm ông bà” (vì lâu nay con bận học không về quê được); “Con ước ba mẹ mua cho con thật nhiều sách” (vì con thích đọc sách mà ba mẹ không mua); “Ước bác Hai về ăn tết với nhà con” (vì sợ dịch Covid, bác Hai không về được); “Con ước hết dịch Covid và mẹ mua cho con 3 quyển sách”...
Tôi dừng lại hơi lâu và hình dung sự thiếu bình yên của gia đình khi đọc điều ước của cậu học trò lớp 3: “Mong gia đình con vui hơn và anh Hai không quậy phá gia đình” hay “Ước được bố mẹ dành thời gian đi chơi cùng con”.
Đọc những điều ước “Con chúc chú Cúc (nhân viên bảo vệ nhà trường - NV) ăn tết vui vẻ”; “Con chúc cô Yến (nhân viên thư viện - Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách - NV) trăm năm hạnh phúc”, hẳn chú Cúc, cô Yến rất xúc động và tôi chợt nghĩ, chú Cúc, cô Yến phải đặc biệt như thế nào mới được các em dành riêng lời chúc như vậy.
Cô Trần Thị Hoàng Yến - nhân viên thư viện Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm nói, tổ chức trò chơi viết điều ước, cô chỉ mong muốn các em chia sẻ ước mơ của mình, hoặc đặt ra mục tiêu nào đấy trong năm mới để có hướng phấn đấu. Quan trọng hơn, thầy cô, ba mẹ cũng hiểu thêm về suy nghĩ, sở thích của trẻ.
Từ những điều ước của học trò trong câu lạc bộ đọc sách một trường tiểu học, có thể chưa bao quát được điều ước của trẻ em nói chung, nhưng khiến người lớn phải suy ngẫm. Đôi khi người lớn chỉ cần tặng trẻ một quyển sách, hay cha mẹ dành thời gian đưa con đi chơi, là đã có thể thỏa ước mong của con em mình. Có những điều ước rất trẻ con nhưng khiến người lớn phải suy nghĩ về mong muốn một cái tết đoàn viên và bình yên.