Chính sách hỗ trợ học sinh và giáo viên trường THPT chuyên: Có cần ban hành nghị quyết mới?
Nghị quyết 31 (ngày 8.12.2016) HĐND tỉnh về một số chính sách đối với học sinh (HS), giáo viên (GV) Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông sẽ hết hiệu lực vào cuối năm học 2020 - 2021. Có cần thiết tiếp tục ban hành nghị quyết mới và nếu có thì phải điều chỉnh như thế nào?
Tác động tích cực
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, hàng năm, nguồn ngân sách hỗ trợ cho thầy và trò trường THPT chuyên theo Nghị quyết 31 khá lớn. Chẳng hạn năm 2020 chi thường xuyên cho HS 7,8 tỷ đồng, khuyến khích học tập 4,6 tỷ đồng, chi cho GV 3,6 tỷ đồng, bồi dưỡng HS thi quốc gia hơn 2 tỷ đồng… Tính tổng cộng 4 năm (từ năm 2017 - 2020), nguồn kinh phí chi cho 2 trường chuyên lên đến gần 66,5 tỷ đồng; trong đó riêng HS được hỗ trợ hơn 46 tỷ đồng.
HS và GV của hai trường THPT chuyên hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 31 được thực hiện từ học kỳ II năm học 2016 - 2017 (thay thế Nghị quyết 21, ngày 17.7.2011). Đánh giá về hiệu quả của chính sách này, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, Nghị quyết 31 đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, thể hiện rõ qua sự gia tăng nhanh chóng các con số giải thưởng như kỳ thi HS giỏi các trường THPT chuyên, số HS trúng tuyển du học nước ngoài, đặc biệt là HS giỏi quốc gia... (từ 28 giải năm 2016 lên 33 giải năm 2020).
Theo ông Quốc, một trong những điểm nhấn của Nghị quyết 31 so với chính sách trước đây là không còn “cào bằng”, thay vào đó em nào đạt kết quả học tập cao hơn sẽ được hưởng mức hỗ trợ cao hơn. Chính điều này đã tạo động lực, giúp HS nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện, nhất là con em gia đình nghèo, khu vực nông thôn, miền núi. Qua thống kê từ năm học 2016 - 2017 đến nay, tỷ lệ HS là con em của nông dân, khu vực nông thôn vào học trường THPT chuyên chiếm đến hơn 61%.
“Nghị quyết 31 đã tác động trực tiếp đến các em HS con gia đình nghèo, khu vực miền núi, nông thôn chăm ngoan, học giỏi, tạo nên sự lan tỏa trong cộng đồng, phụ huynh, HS, phát huy truyền thống của đất học Quảng Nam” - ông Quốc chia sẻ.
Là một trong hai trường học được hưởng lợi từ chính sách này, thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng việc thực hiện Nghị quyết 31 đã tạo nên “cú hích” đối với việc dạy và học. Cụ thể, đó là số giải tại kỳ thi HS giỏi quốc gia nhiều lên thấy rõ, chất lượng tuyển sinh vào các trường đại học, nhất là đỗ thủ khoa các trường đại học quốc gia tăng. Đối với Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hiệu trưởng Lê Thành Vinh cho biết nhờ chính sách hỗ trợ nên tuy thành lập đến nay chưa đầy 10 năm, song nhà trường đã có những bước đi khá vững chắc, khẳng định thương hiệu của mình. Tại kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020, HS của trường mang về 15 giải.
Cần tiếp tục để khuyến khích HS
Nghị quyết 31 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm học 2020 - 2021 và trước một số ý kiến băn khoăn về việc có cần thiết để đề xuất HĐND tỉnh tiếp tục ban hành nghị quyết mới hay không, ông Hà Thanh Quốc khẳng định “rất cần thiết” nhằm động viên, khuyến khích HS nỗ lực hơn trong học tập. Tuy nhiên, cũng phải điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý. Cụ thể, ngoài hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên, chính sách này cần được mở rộng thành 5 mức (trước đây chỉ có 2 mức), trong đó nâng mức cao nhất lên bằng 10 lần mức thu học phí (trước đây 5 lần) dành cho HS trong đội tuyển HS giỏi quốc gia của tỉnh. Cạnh đó, bổ sung chính sách khuyến khích đối với những trường hợp được chọn bồi dưỡng thi quốc tế và cả những em đoạt giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia.
Liên quan đến chế độ đối với đội ngũ cán bộ quản lý, ông Quốc cho biết trường chuyên các tỉnh đều có chính sách hỗ trợ còn trường chuyên của tỉnh hiện nay vẫn chưa được hưởng quyền lợi gì trong khi trách nhiệm và áp lực công việc của họ rất lớn. Vì vậy, cần bổ sung chính sách hỗ trợ đối với lực lượng này. Riêng đối với đội ngũ GV, thầy Phan Văn Chương đề nghị thay đổi, chuyển gói ưu đãi phụ cấp bằng 30% mức lương cơ sở/tiết dạy như hiện tại sang gói hỗ trợ dạy bồi dưỡng HS giỏi, kinh phí 1 tiết bằng 10% mức lương cơ sở. Điều này sẽ tạo công bằng trong công tác bồi dưỡng HS giỏi, tạo động lực để các thầy, cô giáo nỗ lực và có trách nhiệm hơn.