Học sinh vùng sạt lở Phước Sơn ra lớp trở lại
Sau gần 1 tháng nghỉ học do mưa lũ, sạt lở núi, trường học bị thiệt hại nặng nề, học sinh vùng cao các xã Phước Thành, Phước Lộc (Phước Sơn) đã ra lớp trở lại, dù việc dạy và học còn bộn bề khó khăn.
Tuần qua, khi tuyến đường từ xã Phước Thành vào Phước Lộc thông tuyến tạm thời, giáo viên miền xuôi công tác giảng dạy ở xã Phước Lộc đã trở lại trường, tranh thủ dọn vệ sinh trường lớp, ổn định chỗ ở bán trú cho học sinh.
Thầy giáo Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc cho biết, năm học 2020 - 2021 nhà trường có 9 lớp với 184 học sinh, trong đó có 142 học sinh bán trú. Đau lòng nhất là cơn bão số 9 vừa qua gây sạt lở đất cướp đi tính mạng của 4 học sinh nhà trường. Mưa lũ cũng làm cho khu vực xung quanh trường bị sạt lở, hư hỏng nặng, nghiêm trọng nhất là khu nhà ở của hoc sinh.
Để đưa học sinh trở lại trường, giáo viên đã cùng nhau vượt qua khó khăn, khắc phục một số hư hỏng ban đầu do mưa bão, sạt lở đất. Nhờ đó, từ giữa tuần qua học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc đã đi học trở lại.
“Hiện tất cả giáo viên, nhân viên đã trở về trường; công tác dọn dẹp vệ sinh cũng đã ổn định. Đặc biệt, học sinh nhà trường đã ra lớp đầy đủ, việc dạy và học gần như trở lại bình thường. Tuy nhiên chúng tôi lo lắng nếu mưa lớn trở lại thì đường sá sẽ sạt lở, việc vận chuyển lương thực lên phục vụ cho học sinh bán trú rất khó khăn” - thầy Ngộ chia sẻ.
Ở xã Phước Thành, học sinh đã trở lại lớp, dù cho các trường học và chỗ ở nội trú của giáo viên và học sinh bị hư hỏng nặng. Khu nội trú của học sinh, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phước Thành vừa qua bị sạt lở núi gây hư hỏng, vùi lấp. Giáo viên và học sinh bán trú được đưa về khu nhà ở giáo viên nằm sát trường. Điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, vất vả, hơn chục học sinh ở chung một căn phòng chỉ có 30m2.
Bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn chia sẻ, thời gian học sinh các xã Phước Thành, Phước Lộc phải nghỉ học do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất đến gần 1 tháng. Do đó để giúp các em bắt kịp với chương trình, phòng đã yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch, cắt giảm những chương trình không cần thiết; đồng thời tổ chức dạy bù cho học sinh.
“Chúng tôi đã tham mưu Sở GD-ĐT và sở có văn bản chỉ đạo, tăng cường dạy bù cho học sinh. Đối với học sinh bán trú, ngày thứ Bảy và Chủ nhật cũng được huy động ra lớp để học bù. Căn cứ thời gian, phòng yêu cầu các trường tính toán lên kế hoạch tinh giảm những nội dung không cần thiết và có báo cáo cụ thể” - bà Lệ nói.