Học bổng "Tiếp sức đến trường": Điểm tựa cho những hành trình khát vọng
Chương trình “Tiếp sức đến trường” tại Quảng Nam đã đến mùa thứ 16. Hàng nghìn tân sinh viên xứ Quảng đã được tiếp thêm sức mạnh để vào giảng đường đại học. Học bổng không chỉ là khoản tiền đóng học phí, mà còn có cam kết của chương trình: trong xã hội luôn có những tấm lòng chia sẻ, yêu thương, tin cậy và chờ đợi vào tương lai tươi sáng của các sinh viên.
Vượt qua nghịch cảnh
Chương trình lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường tại khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức ngày 21.11 với quy mô 150 suất học bổng, trị giá từ 10 - 15 triệu đồng/suất, tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của bạn đọc Báo Tuổi Trẻ.
Hồ Thị Huệ, cô gái của buôn làng Giẻ Triêng (xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn) vừa trúng tuyển vào ngành giáo dục chính trị Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Cô bé có một cảnh đời bất hạnh. Cách đây 15 năm, bà Hồ Thị Hội (mẹ của Huệ) mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt. Trong khi đó, người cha, trụ cột của gia đình, qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bỏ lại 4 đứa con thơ. “Những lúc trở bệnh nặng thì mẹ ném đồ đạc, vật dụng trong nhà, bỏ đi lung tung. Còn tỉnh táo thì mẹ ngồi một chỗ” - Huệ kể.
Hôm chúng tôi đến ngôi nhà sàn của Huệ, may mắn đúng bữa mẹ Huệ tỉnh táo. Đôi mắt bà ánh lên niềm vui, khi biết con gái của mình vừa đậu đại học. Chị Hồ Thị Hân (30 tuổi, dì của Huệ), là người ở cùng để chăm sóc chị mình sau khi anh rể đột ngột ra đi, kể rằng Huệ ba năm qua ở khu nội trú của trường ăn học. Còn ba người em của Huệ được đưa vào Làng Hòa Bình (huyện Phú Ninh) nuôi dưỡng, lo học hành. Hiểu hoàn cảnh gia đình, Huệ luôn nỗ lực trong học tập, sống trong tình yêu thương, bảo bọc của thầy cô và bè bạn. “Mình luôn nỗ lực trong cuộc sống để trước hết là làm mẹ vui, sau là có tương lai tốt hơn” - Huệ tâm tình.
Cũng mồ côi cha từ nhỏ, hai anh em Nguyễn Quốc Lộc và Nguyễn Quốc Bảo (khối phố Ngân Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) có một hành trình đặc biệt để đến trường và thi đậu vào đại học. Cha mất khi hai anh em chưa đầy 3 tuổi, gian nhà trống trơn chỉ mình người mẹ trẻ gồng gánh. Ba mẹ con Lộc, Bảo đã từng có một căn nhà nhỏ ở khối phố Ngân Câu nhưng vì quá khó khăn nên đành phải bán. Khi hai anh em lên lớp 7 thì mẹ đi bước nữa. Chỗ dựa còn lại cho Bảo cùng Lộc là mái nhà của cậu ruột ở cùng khối phố. Nhà có 8 người gồm bà ngoại, gia đình người cậu ruột với ba đứa con và hai anh em Bảo. Anh em Bảo ở và học trên căn gác nhỏ được kê tạm bằng mấy tấm ván gỗ. Nơi đó hai anh em bền bỉ học và cùng đậu đại học. Bảo thi được 23 điểm, em chọn học trường du lịch để theo đuổi nghề làm bếp. Lộc đậu ngành bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y dược Huế với điểm thi ba môn 28,5.
Ứng trước học bổng để kịp nhập học
Một ngày cuối tháng 10, Hồ Thị Huệ có mặt ở Văn phòng Báo Tuổi Trẻ tại miền Trung để nhận “tạm ứng” tiền học bổng. Cầm phong bì 10 triệu đồng Huệ mừng rơi nước mắt vì trút được nỗi lo khoản phí nhập học. Ngày lên trường, Huệ hạ quyết tâm phải nỗ lực hơn nhiều lần để bù đắp khoảng cách so với chúng bạn. Cô đã nhờ bạn của chị gái tìm kiếm giúp một việc làm thêm sau khi ổn định chỗ ở tại ký túc xá. “Phục vụ nhà hàng hay phụ quán cà phê, dọn dẹp nhà cửa, rửa chén quét nhà…, việc gì em cũng làm được miễn là cầm cự qua 4 năm đại học sắp tới” - Huệ nói và không quên gửi lời cảm ơn suất học bổng “Tiếp sức đến trường” đong đầy ân tình.
Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại miền Trung đã chuyển khoản nhiều suất học bổng “Tiếp sức đến trường” ứng trước cho các tân sinh viên Hồ Thị Y Na - Trường Đại học Sư phạm Huế (quê xã Phước Đức, huyện Phước Sơn), Đặng Đức Ba - Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh (quê xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình) kịp làm thủ tục nhập học... Y Na quyết tâm: “Ra Huế mình sẽ vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống. Bằng mọi cách sẽ cố gắng tới cùng, ra trường mình muốn về núi rừng, bản làng để dạy chữ cho bọn trẻ”.
Nhiều tân sinh viên tới từ các thôn bản nghèo khó đã tự tin bước vào giảng đường đại học, với hành trang tràn đầy nghị lực và sự nâng đỡ bước chân kịp thời từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ.