Gian nan dạy học mùa bão lũ

ĐÌNH HIỆP 19/11/2020 05:55

Bão lũ liên tiếp đã cuốn trôi nhiều cây cầu, làm sạt lở, vùi lấp nhiều con đường đến các xã vùng cao huyện Tây Giang. Những ngày qua, giáo viên “cắm bản” lội qua những đoạn bùn lầy, băng qua nhiều con suối để tiếp tục đem cái chữ đến với học sinh các thôn bản xa xôi.

Các thầy cô giáo ở Tr’Hy cùng dân quân làm cầu để giáo viên từ trường xã vào thôn Abanh 2 dạy học. Ảnh: Đ.H
Các thầy cô giáo ở Tr’Hy cùng dân quân làm cầu để giáo viên từ trường xã vào thôn Abanh 2 dạy học. Ảnh: Đ.H

Thấp thỏm vì sạt lở

Gần tháng nay, thầy Lưu Hoàng Thương và cô giáo Võ Thị Hải Hiếu (Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tr’Hy) dậy từ 5 giờ sáng, thay vì 6 giờ như mọi hôm. Con đường từ trường chính đến điểm trường thôn Abanh 2 (xã Tr’Hy) chỉ khoảng 3 cây số nhưng phải mất cả tiếng đồng hồ cả đi bộ lẫn đi xe máy. Điểm trường này, chỉ có 8 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 học theo hình thức lớp ghép vì các em còn quá nhỏ không thể đi học xa được. Những em lớp 4, 5 đều ra trường xã học theo chế độ bán trú.

Thầy Thương tâm sự, mình dạy ở đây được 4 năm rồi, nhưng chưa năm nào vất vả như năm nay. Bão số 5 rồi số 9 ập vào gây mưa lớn, làm sạt lở đường sá, cuốn trôi nhiều cầu treo, cầu tạm của dân. Con đường vào thôn Abanh 2 có đến chục điểm sạt lở, chưa nói cây cầu treo duy nhất vào thôn cũng bị cuốn trôi. Dân làng cùng thầy cô chặt cây làm lại cầu tạm cũng bị trôi. Không để học sinh bỏ học quá lâu, mới đây nhà trường cùng với dân quân, thanh niên xã tiếp tục làm lại cây cầu treo tạm để đi dạy. “Mỗi lần đi qua đây dạy mình lo lắm, nhất là khi trời mưa, không biết có còn cầu để về không nữa” - thầy Thương nói.

Cô giáo Võ Thị Hải Hiếu hằng ngày được xe múc đưa qua đoạn sạt lở để đi dạy. Ảnh: Đ.H
Cô giáo Võ Thị Hải Hiếu hằng ngày được xe múc đưa qua đoạn sạt lở để đi dạy. Ảnh: Đ.H

Dạy cùng điểm trường với thầy Thương, cô Hiếu cho biết thêm, do không phải là giáo viên đứng lớp nên việc dạy học ở đây không cố định một chỗ mà phân ra nhiều nơi. Hằng tuần, cô phải đi dạy môn mỹ thuật tại hầu hết điểm trường xa xôi. Cô tâm sự “có những hôm mưa to, sạt lở đường không đi qua được, phải nhờ xe múc đưa qua, sợ lắm, nhưng không còn cách nào khác”.

Thầy giáo Nguyễn Đông Vũ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tr’Hy cho biết, năm học này, toàn trường có 17 giáo viên, ngoài điểm trường chính thì còn 4 điểm trường thôn. Hiện việc dạy học tại các điểm thôn rất khó khăn do đường sá bị sạt lở và chia cắt. Trường có 142 học sinh, trong đó có 51 học sinh ở bán trú.

Thầy Vũ chia sẻ: “Dạy học ở miền núi gian nan lắm, các thầy cô không chỉ dạy mà còn lo cho các em từng miếng cơm, giấc ngủ. Đôi lúc việc giặt giũ quần áo học sinh, các cô cũng đảm nhận luôn vì các em còn quá nhỏ, chưa tự lo được. Có những hôm học sinh ốm đau, thầy cô phải chở xuống Trung tâm Y tế huyện (cách đó hơn 20km) để điều trị, chăm sóc.

Cõng gạo, gùi thực phẩm

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ch’Ơm cách trung tâm huyện hơn 60km, là một trong những ngôi trường khó khăn nhất của huyện Tây Giang. Bão, lũ liên tiếp ập vào gây mưa lớn làm sạt lở đường cục bộ.

Thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ch'Ơm chở thực phẩm từ xã A Xan về trường để phục vụ việc bán trú cho học sinh. Ảnh: Đ.H
Thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ch'Ơm chở thực phẩm từ xã A Xan về trường để phục vụ việc bán trú cho học sinh. Ảnh: Đ.H

Thầy giáo Phạm Công Đức - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cơn bão số 5 và số 9 đã làm cho con đường độc đạo lên xã Ch’Ơm bị vùi hoàn toàn. Cả tháng nay, thầy cùng trò nơi đây phải ăn cá khô, mì tôm, cá hộp cho qua bữa. Nhưng rồi, cá cũng hết, mì tôm, nước mắm cũng không còn, may mà còn được 700kg gạo dự trữ đầu năm học. Lãnh đạo nhà trường đã đi mua hết toàn bộ thực phẩm khô tại các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã nhưng cũng chỉ đủ phục vụ vài ngày.

Trước tình hình đó, nhà trường đã huy động toàn bộ gáo viên, dùng xe máy trung chuyển hàng hóa, thực phẩn từ trung tâm xã A Xan (cách đó 20km) về trường để tiếp tục duy trì bếp ăn bán trú, vì nếu cho học sinh nghỉ học dài ngày, khó mà vận động các em ra lớp lại.

Thầy giáo Nguyễn Minh Châu - Hiệu trưởng nhà trường kể, ròng rã một ngày trời, vừa chuyển bằng xe máy, vừa gùi bộ vượt qua 20km đường rừng, các thầy đã chuyển được hàng chục ký cá khô, tép khô, mắm muối, dầu ăn, mì tôm để tiếp tục duy trì bán trú cho 94 em học sinh nơi đây. Đặc biệt trong đợt bão lũ vừa rồi các thầy cũng đã tham gia trung chuyển 15 tấn gạo giúp bà con xã Ch’Ơm… “Dạy học vùng cao vất vả lắm, nhất là mùa mưa lũ. Có yêu nghề, mến trẻ chúng tôi mới trụ đến hôm nay và cũng chính tình yêu thương này đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả” - thầy Châu nói.

ĐÌNH HIỆP