Hơn 2.200 tỷ đồng phát triển giáo dục miền núi giai đoạn 2021 - 2025

X.PHÚ 17/11/2020 10:41

(QNO) - Sáng 17.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì cuộc họp góp ý đề án hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tham gia cuộc họp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, đề án rất có ý nghĩa đến sự phát triển giáo dục miền núi. Ảnh: X.P
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, đề án rất có ý nghĩa đến sự phát triển giáo dục miền núi. Ảnh: X.P

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, đây là đề án có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển giáo dục miền núi, liên quan đến nhiều vấn đề, từ cơ sở vật chất, đội ngũ đến công tác dạy và học.

Hiện 9 huyện miền núi có 263 trường, trong đó 111 trường không bán trú, 152 trường bán trú, nội trú. Tuy nhiên, tình trạng lớp ghép vẫn còn nhiều với 311 lớp mẫu giáo, 148 lớp tiểu học.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên có gần 7.000 người, nhiều nhất là tiểu học với gần 2.400. Hiện một số trường học còn thiếu giáo viên dẫn đến tình trạng dạy chéo môn đào tạo, nhiều giáo viên năng lực chuyên môn còn hạn chế…

Trong 5 năm qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục miền núi được đầu tư với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển miền núi cũng được thực hiện.

Về kế hoạch trong giai đoạn 5 năm đến (2021 - 2025), với mục tiêu phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, đề án dự kiến tổng kinh phí thực hiện hơn 2.200 tỷ đồng (chủ yếu đầu tư cho cơ sở vật chất), trong đó ngân sách tỉnh 672 tỷ đồng, ngân sách huyện 1.162 tỷ đồng, huy động nguồn khác 402 tỷ đồng.

X.PHÚ