Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam: Khó khăn kinh phí
Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó bài toán thiếu hụt nguồn kinh phí vẫn chưa có lời giải.
Trường dạy nghề trọng điểm
Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam được xem là cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm của tỉnh nhờ chất lượng đội ngũ, ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất kỹ thuật.
Ông Võ Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, đơn vị đang tổ chức đào tạo 3 cấp trình độ, gồm cao đẳng (7 nghề), trung cấp (11 nghề) và sơ cấp (5 nghề). Đáng chú ý, nhà trường có 4 nghề được đầu tư trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó 1 nghề cấp độ khu vực ASEAN (nghề công nghệ ô tô), 3 nghề cấp độ quốc gia (gồm điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, may thời trang).
Đi lên từ một trường trung cấp, song nhà trường lại sở hữu đội ngũ giáo viên có năng lực trình độ khá cao khiến không ít người phải bất ngờ. Hiện đơn vị có 80 cán bộ, giáo viên; trong đó có 1 tiến sĩ, 16 thạc sĩ, 50 đại học, 12 trình độ khác (chủ yếu là giáo viên dạy lái xe ô tô). Đây được xem là nguồn lực quan trọng giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo cũng như được chọn đầu tư thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm.
Thời gian qua, trường đã chủ động trong công tác đào tạo và mở rộng liên kết đào tạo. Bên cạnh đào tạo nghề hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đơn vị còn tổ chức đào tạo nghề lái xe ô tô, lái xe mô tô, hàng năm thu hút hơn 2.200 người theo học, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa tạo nguồn thu. Ngoài ra, nhà trường còn liên kết đào tạo đại học, liên thông đại học một số nghề như công nghệ kỹ thuật ô tô. Nhờ quan tâm đến chất lượng đào tạo qua việc người học ra trường đảm bảo về kiến thức cơ bản, kỹ năng thực hành nghề nên được doanh nghiệp đánh giá cao. Điều này thể hiện ở việc, những năm qua, tỷ lệ người học tốt nghiệp tìm được việc làm ổn định chiếm khoảng 90%, giúp trường trở thành địa chỉ đào tạo nghề đáng tin cậy.
Bài toán kinh phí
Những năm gần đây, tuyển sinh của Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam liên tục không đạt chỉ tiêu, năm 2017 chỉ tuyển được 52% (312/chỉ tiêu 600), năm 2018 đạt 60% (279/460), cao nhất như năm 2020 cũng chỉ đạt chưa đến 70% (320/460). Từ đó dẫn đến quy mô đào tạo hàng năm giảm, từ 792 chỉ tiêu năm 2017 đến năm 2020 chỉ còn 420. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt về nguồn kinh phí hoạt động.
Theo ông Võ Thanh Tùng, trường được UBND tỉnh giao thực hiện tự chủ một phần về tài chính. Thời gian trước cơ bản đảm bảo cân đối thu - chi hoạt động thường xuyên; tuy nhiên, những năm gần đây, do công tác tuyển sinh gặp khó khăn, quy mô đào tạo hàng năm giảm dần dẫn đến nguồn ngân sách cấp đào tạo hàng năm cũng giảm theo (năm 2018 cấp gần 7,4 tỷ đồng đến năm 2020 giảm còn 4,1 tỷ đồng). Ngoài ra, do dịch Covid-19, đơn vị phải dừng đào tạo lái xe ô tô, mô tô khiến nguồn thu này năm nay mất hơn 1,2 tỷ đồng.
“Vì vậy, cân đối thu chi năm 2020 nhà trường dự kiến sẽ thiếu hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó chủ yếu thiếu nguồn chi trả lương cho viên chức, người lao động những tháng còn lại của năm nay. Cũng vì vậy mà thời gian qua một số cán bộ có năng lực xin chuyển công tác và đây là điều khá đáng tiếc” - ông Tùng chia sẻ.
Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh hôm qua 4.11, nhà trường kiến nghị tỉnh xem xét, hỗ trợ nguồn kinh phí theo phương án cho đơn vị sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn thừa chuyển sang năm 2020 (hơn 1,7 tỷ đồng) hoặc cấp bổ sung, nhằm tạo điều kiện cho đơn vị có nguồn chi trả tiền lương cho người lao động các tháng 10, 11 và 12 năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, tuyển sinh là khâu rất quan trọng và chỉ có tuyển sinh nhiều thì ngân sách cấp mới tăng theo. Thời gian tới nhà trường cần tập trung cho công tác tuyển sinh với các giải pháp phù hợp, năng động để tuyển sinh đạt chỉ tiêu. Từ đó, mới giúp giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn kinh phí. Trước tình hình khó khăn hiện nay, giao Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh giải quyết với tinh thần đảm bảo chi trả lương và các khoản phụ cấp khác cho cán bộ, giáo viên. Các sở, ngành chức năng và các đơn vị phối hợp đẩy nhanh tiến độ sắp xếp 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thành trường cao đẳng nghề theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.