Bộ GD-ĐT sơ kết 5 năm đổi mới: Nhiều dấu ấn
(QNO) - Sáng nay 31.10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành GD-ĐT năm 2020. Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Tại đầu cầu Quảng Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, lãnh đạo các địa phương tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ khó khăn với các địa phương; phát động trong toàn ngành quyên góp ủng hộ học sinh (HS) và giáo viên (GV) bị thiệt hại do cơn bão số 9 và đợt lũ lụt vừa qua.
Dấu ấn
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 và 5 năm qua (2016 - 2020), Bộ GD-ĐT cho biết đã tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Lần đầu tiên trong 2 năm liên tiếp trong một nhiệm kỳ, có 2 luật được thông qua là Luật Giáo dục năm 2019 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi.
Đáng chú ý là thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, từ chương trình tổng thể đến các chương trình các môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình mới theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực người học; nội dụng tinh giản, gắn với thực tiễn. Chương trình lớp 1 được thực hiện từ năm học 2020 - 2021 với 5 bộ sách giáo khoa để các địa phương, trường học lựa chọn đưa vào giảng dạy.
Giáo dục đại học đánh dấu bước đột phá trong thực hiện tự chủ trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Chuyển đổi số mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, điển hình là việc dạy học trực tuyến qua internet và truyền hình trong thời gian dịch Covid-19. Lần đầu tiên, ngành xây dựng được dữ liệu đầy đủ thông tin của gần 53.000 trường học, 1,5 triệu GV, cán bộ quản lý giáo dục và gần 23 triệu HS, sinh viên.
Ý kiến của nhiều địa phương đánh giá cao kết quả thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; sắp xếp trường lớp, đội ngũ GV, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, ngành triển khai tốt chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết tỉnh giảm 143 trường, hơn 1.000 GV, cán bộ quản lý sau khi sắp trường lớp.
Hạ tiêu chuẩn để tuyển dụng GV
Thông tin tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết thời gian qua Quảng Nam đã tập trung triển khai đề án sắp xếp trường lớp, đội ngũ, giảm được 47 trường, 301 điểm trường. Việc sắp xếp đội ngũ theo tinh thần “ở đâu có HS ở đó có GV”. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ học phí học kỳ I năm học 2020 - 2021 cho HS ảnh hưởng dịch Covid-19, sữa học đường cho HS các huyện miền núi cao.
Hiện nay Quảng Nam đang triển khai thi tuyển GV các cấp. Tuy nhiên, thực tế số lượng người đủ tiêu chuẩn đăng ký dự thi GV mầm non và tiểu học không đủ chỉ tiêu. Do đó, đề nghị điều chỉnh tiêu chí, tiêu chuẩn về trình độ trong tuyển dụng đối với sinh viên mới ra trường, chẳng hạn GV mầm non là trung cấp, tiểu học là cao đẳng để giúp các vùng miền núi có GV giảng dạy.
Thông tin thêm về cơn bão số 9 gây thiệt hại nặng cho địa phương, ông Tân nói hàng trăm ngôi trường, điểm trường bị ngã đổ, hư hỏng. Hiện nay, dù tập trung khắc phục nhưng nhiều trường đến thứ Hai tới (2.11) mới đi học trở lại trong điều kiện hết sức khó khăn. Vì vậy, rất mong Bộ GD-ĐT, Chính phủ quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng cho rằng, để giải quyết bài toán thiếu GV hiện nay, đề nghị tuyển dụng GV đối với sinh viên chưa đáp ứng quy định về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục. Kèm theo đó, buộc phải có cam kết nâng cao trình độ theo lộ trình thời gian quy định cụ thể.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và cho biết sẽ nghiên cứu để tham mưu điều chỉnh tiêu chuẩn trình độ GV đối với các vùng đặc thù. Đồng thời sẽ chủ động, tập huấn sách giáo khoa sớm hơn vì năm học tới có thời gian rộng hơn và sẽ có sự tham gia của nhiều thầy cô giáo, phụ huynh chứ không chỉ các giáo sư.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều song kết quả năm học vừa qua khá tốt. Ngành đẩy mạnh dạy học trực tuyến, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công trong lộ trình đổi mới 6 năm qua.
“Đổi mới bao giờ cũng khó. Chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận kết quả đạt được trong thời gian qua, xử lý những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ GV; không nên đánh mất niềm tin vào công cuộc đổi mới” - Phó Thủ tướng Chính phủ nhắn nhủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: Giáo dục thì phải theo nguyên lý và xu thế của thế giới chứ không thể đổ thừa là đặc thù. Đã là giáo dục phổ thông thì không được lựa chọn đầu vào, trường chuyên lớp chọn, phải thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, không thể đi ngược lại thế giới.