Sẵn sàng cho kỳ thi tuyển viên chức giáo viên
Hôm qua 15.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì cuộc họp Hội đồng thi tuyển viên chức giáo viên (GV) tỉnh năm 2020, kết luận nhiều vấn đề liên quan đến kỳ thi sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10 này.
Thi 2 vòng
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đến nay việc thu nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký dự thi viên chức GV do Sở GD-ĐT (bậc THPT) và các địa phương (các bậc học còn lại) thực hiện đã hoàn thành. Theo đó, tổng số thí sinh (TS) đủ điều kiện đăng ký dự thi vào vị trí GV bậc THPT là 570 (chỉ tiêu tuyển dụng 160); mầm non 437 (426), tiểu học 721 (947), THCS 964 (250). Số TS được miễn thi tin học, ngoại ngữ là 317 người.
Theo kế hoạch, dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi vòng 1 vào ngày 29.10 đến 1.11, sau đó tiếp tục thi vòng 2 vào cuối tháng 12. Cả tỉnh sẽ bố trí 7 điểm thi đặt tại Tam Kỳ với 116 phòng thi. Công tác ra đề thi, sao in, coi thi, làm phách bài thi theo đúng quy trình và quy định của kỳ thi tốt nghiệp THPT như thực hiện cách ly người ra đề, sao in đề, đánh mã phách bài thi, hồi phách, lên điểm… dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng công an và ban giám sát kỳ thi.
Tuy nhiên, qua số lượng đăng ký dự thi xuất hiện tình trạng một số địa phương, vị trí tuyển dụng GV mầm non, tiểu học, các bộ môn dự tuyển như âm nhạc, mỹ thuật, tin học số lượng đăng ký dự tuyển ít hơn so với chỉ tiêu tuyển dụng. Chẳng hạn, huyện Đại Lộc chỉ tiêu tuyển GV mầm non 65 song dự tuyển 45, chỉ tiêu GV tiểu học 96 song dự tuyển 28; Duy Xuyên cũng tương tự 26 - 19 mầm non, 134 - 46 tiểu học; Điện Bàn 187 - 78 tiểu học… Trong khi đó, các địa phương khác, nhất là miền núi lại có tình trạng ngược lại. Nam Giang chỉ tiêu 16 GV mầm non nhưng có đến 28 TS đăng ký, tiểu học 6 chỉ tiêu, 24 TS đăng ký; Đông Giang tiểu học 4 chỉ tiêu, 19 TS đăng ký; Phước Sơn tiểu học 13 chỉ tiêu, 26 TS đăng ký.
Trước thực tế này, Sở GD-ĐT đề xuất hội đồng xem xét, cho ý kiến về việc nên hay không nên cho phép TS điều chỉnh nguyện vọng đăng ký dự thi vào các địa phương, đơn vị còn thiếu số TS đăng ký so với chỉ tiêu. Sau khi nghe ý kiến các thành viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân - Chủ tịch Hội đồng thi tuyển tỉnh cho rằng, việc điều chỉnh cũng sẽ không giải quyết được việc gì mà lại thêm rối rắm trong khi ngày thi đã cận kề. Còn nếu tuyển dụng lần này không đủ chỉ tiêu sẽ tổ chức thi đợt sau.
Đề xuất được điều chỉnh nguyện vọng
Với thực tế số lượng đăng ký theo từng địa phương như hiện nay, dù chưa tổ chức kỳ thi nhưng có thể khẳng định sẽ xảy ra tình trạng nơi không tuyển đủ chỉ tiêu, nơi còn thừa số lượng TS đăng ký. Từ đó, có nguy cơ dẫn đến bất cập điểm cao vẫn rớt trong khi điểm thấp đậu. Giải quyết vấn đề này như thế nào?
Theo ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên, nên cho TS được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký thì tốt nhất. Còn nếu không thì sau khi thi xong, lấy đủ chỉ tiêu, số còn lại nếu đủ tiêu chuẩn thì nên xem xét tuyển dụng và bố trí cho các địa phương khác. “Vừa giải quyết bài toán thiếu GV cho các địa phương hiện nay, vừa giúp số TS này có công việc giảng dạy” - ông Hoàng chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Lương Đức Hiền - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc cho rằng việc đăng ký nguyện vọng ở đâu thường là do người đăng ký nhận thấy thuận lợi như gần nhà. Tuy nhiên, nếu có chuyện thừa - thiếu thì nên cho họ điều chỉnh nguyện vọng và đó là điều rất tốt để giảm bớt tình trạng thiếu GV.
“Hiện nay, địa phương cũng đang đau đầu trước việc này. Nguyên nhân ít người đăng ký dự tuyển hiện nay là vì quy định tiêu chuẩn trình độ đại học nên nhiều GV bậc mầm non, tiểu học không đáp ứng đủ yêu cầu. Hơn nữa, một số lượng lớn các em ở Đại Lộc hay Điện Bàn ra Đà Nẵng tìm việc” - ông Hiền nói.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang - Nguyễn Tấn Lộc sau khi biết được thông tin số lượng đăng ký của các địa phương đồng bằng khá thấp so với chỉ tiêu, trong khi Nam Giang lại thừa quá nhiều tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng những đề xuất nêu trên là “rất hay và cần được tỉnh nghiên cứu xem xét”.
Theo ông Lộc, không chỉ mầm non và tiểu học mà sự cạnh tranh thi tuyển ở bậc THCS của Nam Giang cũng rất căng thẳng như môn Toán chỉ tiêu 6, TS dự thi 26; Sinh chỉ tiêu 1, TS dự thi 6. “Các em học hành tốn kém mà thi không được vào biên chế rất lãng phí trong khi các nơi khác còn chỉ tiêu. Vì vậy, nên cho điều chỉnh nguyện vọng, còn không thì tuyển đủ chỉ tiêu, số còn lại đáp ứng yêu cầu quy định sẽ nghiên cứu bố trí theo nguyện vọng của người dự tuyển” - ông Lộc kiến nghị.