Chinh phục ước mơ

THÀNH CÔNG 30/09/2020 10:20

Bằng “một trái tim kiên nhẫn để lắng nghe” và nỗ lực không ngừng nghỉ trên chặng đường chinh phục ước mơ, Trần Văn Tuấn - sinh viên năm 3 Khoa Y, Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh lần thứ hai được nhận thưởng Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng, với thành tích ấn tượng.

Trần Văn Tuấn - chàng sinh viên năm 3 Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh từng là gương mặt của Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng năm 2018. Ảnh: T.T
Trần Văn Tuấn - chàng sinh viên năm 3 Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh từng là gương mặt của Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng năm 2018. Ảnh: T.T

Ba năm trước, Trần Văn Tuấn là một trong “tam tấu” môn Sinh ấn tượng của Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Cũng trong năm đó, Tuấn trở thành sinh viên lớp Y18A Khoa Y (Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh). Thời gian đầu đi học xa nhà, Tuấn gặp khá nhiều khó khăn, nhưng rồi cũng nhanh chóng thích nghi.

"Năm 2 đại học, mình bắt đầu đi thực tập tại bệnh viện, ban đầu rụt rè khi tiếp xúc với bệnh nhân, nhưng giờ thì quen rồi, tự tin hơn nhiều. Suốt từ đó đến nay, quá trình học chiếm phần lớn thời gian. Năm 3 đại học, bắt đầu mỗi buổi sáng của mình là việc thực tập ở bệnh viện, buổi chiều về học tại giảng đường, tối về lại học, chuẩn bị bài. Tranh thủ thời gian rảnh mình cùng bạn bè khám phá thành phố, nấu các món ăn để vơi bớt nỗi nhớ nhà" - Tuấn kể.

Học ngành y dược là giấc mơ lớn của cuộc đời Trần Văn Tuấn, khi ba mẹ đều có thời gian dài phải chữa trị bệnh. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia giúp Tuấn gặp gỡ, kết nối với các bạn đại diện cho các tỉnh đi thi. Và khi hội ngộ tại Trường Đại học Y dược, một “team” riêng ra đời với tên gọi Bioheads xuất hiện tại cuộc thi sáng tạo tế bào gốc - Stem cell Innovation lần thứ 6 năm 2019 do Viện Tế bào gốc và Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) tổ chức. Đây là cuộc thi dành cho học sinh THPT và sinh viên trên cả nước, mỗi đội gồm 3 thành viên tham gia. Qua 2 vòng thi đầy khắc nghiệt, nhóm Bioheads của Tuấn và hai bạn học góp mặt trong số 12 đội có mặt ở vòng chung kết. Ý tưởng ban đầu của nhóm được phát triển lên, phân công công việc cho từng thành viên, trong đó Tuấn phụ trách tìm hiểu nội dung chính, làm trình chiếu và trả lời các câu hỏi của ban giám khảo. Ý tưởng sử dụng tế bào gốc từ nước tiểu trong việc điều trị hội chứng thận hư của nhóm được ban giám khảo đánh giá rất cao và xuất sắc giành giải nhất.

“Cuộc thi là một trải nghiệm mới mẻ nhưng đầy thú vị, giúp mình rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm khá hiệu quả, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức. Hiện tại, ý tưởng này đang được Viện Tế bào gốc tiếp tục phát triển để triển khai ứng dụng trong tương lai gần” - Tuấn cho biết.

Hình ảnh đội ngũ y tế, những người thầm lặng nơi tuyến đầu trong đại dịch Covid-19 vừa qua truyền thêm nhiều cảm hứng cho Tuấn trên con đường chinh phục ước mơ. Đó là câu chuyện những y bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng đương đầu với dịch bệnh bằng trách nhiệm, tấm lòng, bằng trình độ chuyên môn và cả sức chịu đựng phi thường. Tuấn nói, nghề y khá gian nan, cần sự kỹ lưỡng và chính xác cực cao bởi liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.

Trong đợt dịch bệnh Covid-19, Tuấn thấy được áp lực rất lớn của nghề, từ đó càng trân trọng và quyết tâm hơn. Lần đầu tiên mặc áo blouse tiếp xúc với bệnh nhân khi đi thực tập tại bệnh viện, Tuấn còn nhớ như in vì lúc đó khá rụt rè, còn… hơi sợ khi thực hiện các kỹ thuật, nhưng giờ thì quen, khó khăn cũng giảm bớt. Dự định của Tuấn sau khi ra trường là làm ở Sài Gòn một vài năm trau dồi kinh nghiệm và vững tay nghề, sau đó có thể về lại Quảng Nam, chọn một nơi làm việc gần để tiện chăm sóc ba mẹ.

“Lần trước nhận thưởng từ Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng, mình mới chỉ là học sinh cấp 3 của Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, bây giờ nhận giải với tư cách là sinh viên Trường Đại học Y dược. Cảm xúc vẫn vẹn nguyên vì giá trị ở đây không chỉ là phần thưởng về vật chất, mà cả sự động viên tinh thần và niềm tự hào rất lớn với mình" - Tuấn bộc bạch.

THÀNH CÔNG