DTU có 3 chương trình đào tạo đạt kiểm định ABET
ABET - Accreditation Board for Engineering and Technology (Hội đồng Kiểm định các chương trình đào tạo Kỹ thuật - Công nghệ) của Mỹ vừa công bố kết quả kiểm định chương trình đào tạo của Trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng (DTU) trên lĩnh vực liên quan.
Chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ của DTU được công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế ABET của Mỹ vào cuối tháng 8.2020, dựa trên kết quả chuyến thăm kiểm định năm ngoái (từ ngày 24 đến 26.11.2019). Kết quả này được công nhận mở rộng và bao gồm cho cả những khóa sinh viên (SV) DTU ngành Điện - Điện tử đã tốt nghiệp từ ngày 1.10.2018.
ABET là tổ chức kiểm định uy tín nhất thế giới cho các chương trình kỹ thuật và công nghệ. Rất nhiều trường ĐH nổi tiếng trên thế giới đã tham gia kiểm định ABET cho các chương trình đào tạo của mình. ABET được thành lập năm 1932 với 4 Ủy ban Kiểm định gồm: Ủy ban Khoa học ứng dụng (ASAC), Ủy ban Khoa học điện toán (CAC), Ủy ban Kỹ thuật (EAC), và Ủy ban Công nghệ - Kỹ thuật (ETAC). Đã có hơn 4.000 chương trình đào tạo thuộc 793 trường ĐH và cao đẳng ở 32 quốc gia được kiểm định bởi ABET.
Đây là chương trình đào tạo thứ 3 đạt chuẩn kiểm định ABET của DTU, sau 2 chương trình đào tạo Kỹ thuật mạng và Hệ thống thông tin quản lý được công nhận kiểm định vào ngày 27.8.2019. DTU là trường đại học (ĐH) thứ hai của Việt Nam có các chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET, sau Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh năm 2014, và là một trong 4 cơ sở giáo dục của nước ta đạt chuẩn kiểm định này (năm 2018 là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng và năm 2019 là Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh).
Đánh giá của ABET
Đến nay, DTU là cơ sở giáo dục cấp trường tại Việt Nam có nhiều chương trình nhất (3 chương trình) được Tổ chức Kiểm định ABET đánh giá chất lượng đạt mức cao nhất (6 năm).
ABET đánh giá chương trình đào tạo Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử tại DTU như sau: “Nhà trường đã áp dụng một chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên việc giảng dạy tích hợp các dự án xuất sắc nhằm hỗ trợ cho sinh viên lĩnh hội kiến thức thông qua việc chủ động khám phá những thách thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn của thế giới. Việc giảng dạy kỹ thuật dựa trên dự án được vận hành theo mô hình CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate). Đây là mô hình giáo dục kỹ thuật tiên tiến nhằm dạy cho sinh viên - những kỹ sư tương lai các nguyên tắc cơ bản về kỹ thuật để họ có thể hình thành kỹ năng về xây dựng ý tưởng, thiết kế, triển khai thực hiện và vận hành thiết kế kỹ thuật cũng như đưa ra giải pháp trong thế giới thực.
Chương trình đào tạo của DTU đã tích hợp những nguyên tắc của CDIO trải dài trong 5 môn học. Đội ngũ giảng viên của chương trình đã thể hiện năng lực và khả năng thực hiện các nguyên tắc CDIO trong chương trình giảng dạy một cách xuất sắc thông qua các báo cáo trình bày tại nhiều hội nghị về CDIO trên toàn thế giới. Sinh viên của chương trình đã được chuẩn bị tốt cho việc thực hành kỹ thuật thông qua quá trình tham gia các cuộc thi CDIO Academy, nơi trưng bày và thi đấu các sản phẩm của sinh viên theo mô hình CDIO”.
Uy tín quốc tế
Khác với cách đánh giá và công nhận theo cấp độ đáp ứng từ 1 - 7 (bởi AUN-QA) hay theo tỷ lệ cần có ít nhất 80% số tiêu chí đạt (kiểm định trong nước), để ABET công nhận đạt kiểm định ở mức cao nhất (6 năm), các chương trình đào tạo cần đáp ứng tuyệt đối các tiêu chí theo yêu cầu của ABET. Nếu có bất kỳ tiêu chí nào thuộc chương trình đào tạo không đáp ứng theo yêu cầu của ABET, chương trình đó xem như không được kiểm định hoặc chỉ có thể được xem xét công nhận có điều kiện tạm thời ở mức độ tối đa là 2 năm.
Sau quá trình kiểm định nghiêm túc và khách quan, Tổ chức kiểm định ABET đã công nhận chương trình Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử của DTU đạt kiểm định ABET với mức kiểm định cao nhất là 6 năm, tính đến ngày 30.9.2026. Kết quả này bắt nguồn từ những chuẩn bị rất chu đáo của DTU qua nhiều năm. Trong đó, xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao; xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình; chú trọng việc giảng dạy và cải tiến phương pháp giảng dạy để đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình. Đồng thời DTU hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo, liên tục trang bị và nâng cấp các trang thiết bị hiện đại, phục vụ cho công tác thực hành đạt chuẩn quốc tế.
TS. Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Thường trực DTU cho biết, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục hay kiểm định chương trình đào tạo là yêu cầu cấp thiết để các trường ĐH tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi. Đồng thời cũng hàm chứa ý nghĩa công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trước toàn xã hội, giúp cho phụ huynh, người học và nhất là doanh nghiệp giám sát được chất lượng của các chương trình đào tạo mà nhà trường cung cấp.
“Việc chương trình đào tạo của ĐH Duy Tân được Tổ chức kiểm định ABET công nhận đạt chuẩn thì giá trị thừa nhận về chất lượng sẽ có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn, vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia, rút ngắn khoảng cách về đào tạo giữa các ĐH trong nước với các ĐH có uy tín trên thế giới” - TS. Võ Thanh Hải nói.