Năm học 2019-2020 đạt nhiều kết quả khả quan
(QNO) - Sáng nay 28.8, Sở GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cùng lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh đến dự.
Nhiều kết quả khả quan
Đánh giá kết quả thực hiện năm học qua, ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, toàn tỉnh có 803 trường (284 mẫu giáo mầm non, 246 tiểu học, 216 THCS, 57 THPT), giảm 15 trường học so với năm trước do thực hiện sáp nhập trường lớp. Quảng Nam tiếp tục là địa phương dẫn đầu các tỉnh duyên hải miền Trung về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với 532 trường, chiếm tỷ lệ hơn 66%.
Tổng số học sinh (HS) các cấp toàn tỉnh là hơn 349.600 em. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, nhất là chất lượng mũi nhọn. Tại kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2020, HS trong tỉnh tiếp tục gặt hái thành công khi mang về 33 giải, cao nhất kể từ năm 1997 đến nay.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn tỉnh hiện nay là 25.613 người, trong đó hơn 18.000 giáo viên. Toàn ngành có 6 tiến sĩ, 296 thạc sĩ, tỷ lệ giáo viên có trình độ chuyên môn trên chuẩn khá cao.
Về nhiệm vụ năm học 2020-2021, ông Nam nói trên cơ sở 5 nhiệm vụ, 9 giải pháp của Bộ GD-ĐT, ngành GD-ĐT Quảng Nam đề ra 10 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp gắn với bố trí đội ngũ; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên theo chuẩn mới.
Ngành GD-ĐT cũng đặt mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, nhất là xây dựng “Trường học hạnh phúc” trong các cơ sở giáo dục theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Thầy Lê Thanh Tiền - Hiệu trưởng Trường THPT Duy Tân (Tam Kỳ) đề nghị trong xây dựng trường học, đầu tư cơ sở vật chất thời gian tới phải tiệm cận với giáo dục phổ thông mới vì yêu cầu cao như diện tích phòng học, trang thiết bị; tuyển sinh năm 2021 nên thi tuyển vào lớp 10 trên cơ sở phân tuyến. Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền - Hà Văn Ngọc còn cho rằng tổ chức thi tuyển sinh 10 sẽ tạo cơ hội cho HS năm trước không đậu sẽ được thi năm sau.
Ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My kiến nghị cho địa phương hợp đồng giáo viên mới đáp ứng dạy 2 buổi/ngày vì hiện nay thiếu rất nhiều và tăng biên chế cho Phòng GD-ĐT huyện do hiện nay ít, khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Trong khi đó, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Nông Sơn - Hà Văn Đa và Trưởng phòng GD-ĐT Tây Giang - Lê Kim Vân thông tin diện tích phòng học trước đây xây dựng nhỏ nên rất khó thực hiện quy định sĩ số HS/lớp.
Giải pháp nâng chất lượng
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, năm học 2020-2021 toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới dạy và học, nhất là triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Đặc biệt, quan tâm nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh. “Kết quả môn thi tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vừa qua quá thấp trong khi hiện nay HS lớp 4, 5 học tiếng Anh gần như 100%. Đây là lỗi của giáo viên và cần có sự đánh giá chất lượng đội ngũ để từ đó có giải pháp phù hợp” - ông Quốc nói.
Cũng theo ông Quốc, có một thực tế lâu nay “chất lượng giáo dục thấp thì bậc THPT đổ thừa cho bậc THCS, bậc THCS đổ thừa bậc tiểu học, tiểu học đổ thừa mầm non, còn mầm non đổ thừa cho Giám đốc sở”. Vì vậy, năm học tới đây, toàn ngành sẽ tổ chức khảo sát chất lượng đầu vào các lớp đầu cấp để đánh giá đúng chất lượng, tránh tình trạng đổ thừa lớp dưới; qua đó giúp từng trường có kế hoạch, giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học.
Giải đáp đề xuất của các trường học về thi tuyển sinh lớp 10, ông Quốc cho biết phương thức tuyển sinh nào cũng có ưu điểm. Hiện nay có nhiều ý kiến đề nghị thi tuyển và sở sẽ tham khảo ý kiến các địa phương, trường học, báo cáo UBND tỉnh quyết định nhưng kỳ thi phải trên tinh thần gọn nhẹ, không tạo áp lực. Về khó khăn sắp xếp HS/lớp, ông Quốc nói không máy móc trong vấn đề về sĩ số HS/lớp, nhất là vùng núi, khó khăn. Tất nhiên quy định phải nghiêm túc thực hiện đối với vùng thuận lợi vì liên quan đến đội ngũ giáo viên.
Liên quan đến kiến nghị tuyển dụng giáo viên, ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết chủ trương của tỉnh và thời gian qua đã triển khai thực hiện xét tuyển đối với 463 giáo viên hợp đồng trước 31.12.2015, xét tuyển đối với diện cử tuyển 225 người, và vừa rồi ban hành kế hoạch thi tuyển. Hiện nay Nghị quyết 102 của Chính phủ cũng cho phép ký hợp đồng giáo viên. Về biên chế phòng GD-ĐT, ông Lại nói địa phương có trách nhiệm sắp xếp, bố trí đảm bảo nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chúc mừng và biểu dương những kết quả đạt được trong năm học của toàn ngành, nhất là chất lượng mũi nhọn, đầu tư xây dựng trường lớp, trường chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng đội ngũ, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và hiện nay chuẩn bị để thi đợt 2.
Theo ông Tân, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cần có các giải pháp triển khai thực hiện phù hợp, quyết liệt. Trong đó, tập trung tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2; chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức khai giảng năm học mới 2020-2021 nghiêm trang, gọn nhẹ, an toàn phòng chống dịch.
Thời gian tới, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp gắn với bố trí đội ngũ; ngành GD-ĐT và nội vụ nhanh chóng tham mưu cho tỉnh hợp đồng giáo viên theo nguyên tắc “ở đâu có HS ở đó có giáo viên”.
Liên quan đến thi tuyển giáo viên, đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành, đảm bảo bố trí giáo viên cho năm học mới.
Sớm hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh chính sách hỗ trợ học phí học kỳ 1 cho HS con gia đình khó khăn để trình kỳ họp HĐND tỉnh dự kiến tổ chức vào ngày 15.9; đề án học phí giai đoạn 2021-2025.
Lưu ý các trường học công khai các khoản thu đầu năm học, không để ra tình trạng lạm thu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để góp phần xây dựng “Trường học hạnh phúc”.
Nghiên cứu phương án thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 trên cơ sở thi và xét kết quả học tập. Năm học 2020-2021 dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, nội dung chương trình đang tính đến chuyện tinh giảm nên chưa thực hiện.