Ngày hè của em
Mùa hè năm nay khá đặc biệt với trẻ em xứ Quảng khi các em vừa mới có những chương trình khởi động sinh hoạt hè thì lại phải tạm dừng do dịch bệnh. Tuy nhiên, trong cái khó... vẫn còn đó những hy vọng về một mùa hè bổ ích, an toàn cho trẻ.
NHỮNG SÂN CHƠI LÝ THÚ
Trước thời điểm phải thực hiện giãn cách, nhiều hoạt động bổ ích dành cho thiếu nhi đã được tổ chức.
Em tập làm hướng dẫn viên
Huyện đoàn Tiên Phước lần đầu tiên thực hiện một hoạt động rất ý nghĩa cho học sinh huyện, đó là chương trình “Một ngày làm hướng dẫn viên du lịch”. Tham gia vào chương trình này, học sinh được tham quan làng cổ Lộc Yên, tìm hiểu về cảnh quan, kiến trúc và nếp sống làng cổ - niềm tự hào của người dân Tiên Phước.
Cùng với đó, các em được tham gia làm hướng dẫn viên du lịch dựa trên những kiến thức của bản thân về làng cổ Lộc Yên. Yêu cầu với hướng dẫn viên là không chỉ giới thiệu về làng quê thanh bình bằng tiếng Việt, mà phải chuyển tải được hình ảnh, văn hóa của quê hương bằng tiếng Anh đối với du khách nước ngoài. “Một ngày làm hướng dẫn viên du lịch” đã giúp cho học sinh có thêm một sân chơi bổ ích dịp hè về.
Chị Lê Thị Na Vi - Bí thư Huyện đoàn Tiên Phước cho biết: “Các hoạt động hè được Huyện đoàn tổ chức nhằm xây dựng cho các em một số kỹ năng mềm trong các hoạt động tập thể, rèn kỹ năng sống cho các em, giúp các em mở rộng kiến thức, được giao lưu, xây dựng tình đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Đồng thời tạo điều kiện để các em học sinh có thể tự lập và biết sống có trách nhiệm. Các hoạt động được tổ chức trong dịp hè thì không thể có đông đủ thanh thiếu niên tham gia và chỉ có một số bạn đại diện tham gia. Thế nên chủ yếu là các đoàn xã, thị trấn tổ chức hoạt động tại địa phương như tập võ cổ truyền, hỗ trợ dạy bơi cho trẻ em, sinh hoạt nói chuyện chuyên đề hay tập huấn phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại thân thể và tinh thần... sẽ thu hút được nhiều thanh thiếu niên tham gia hơn”.
Vừa học vừa chơi
Phạm Ái Thảo - Giám đốc Trung tâm Tiếng Anh JENA tại TP.Tam Kỳ cho biết, mùa hè này, cùng với việc truyền tải kiến thức cho học viên, chị cùng các cộng sự khởi động chương trình hè khám phá dành cho các em ở lứa tuổi từ 5 tuổi trở lên. “Với mô hình không giống như các khóa hè truyền thống, tụi mình không chú trọng học Toán, Tiếng Việt nên tổ chức trại hè mang đến cho các bạn nhỏ cơ hội khám phá những điều mới lạ. Với những mục tiêu giúp các em có cơ hội khám phá những điều mới lạ mà ở trường học chưa có cơ hội tìm hiểu. Các em được tự tay thực hiện những ý tưởng của mình. Các em có cơ hội tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới hay học hỏi các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp...” - Phạm Ái Thảo nói. Được tự tay gieo một hạt mầm và quan sát quá trình lớn lên của cây, nhiều em thiếu nhi tỏ ra vô cùng thích thú.
Cùng với sân chơi do các trung tâm tổ chức, ở nhiều nơi, các em còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa do các huyện đoàn, thị đoàn hay thành đoàn và trung tâm văn hóa chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc TTVH TP.Tam Kỳ cho biết, cùng với các lớp kỹ năng, Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP.Tam Kỳ luôn có những chương trình hoạt động ngoại khóa cũng như tổ chức các cuộc thi ở quy mô cấp thành phố cho các em tham gia. Gọi là cuộc thi nhưng thực chất là sân chơi để các em trau dồi thêm những kỹ năng đã được học.
Tại các địa phương như Hội An, Điện Bàn, hàng loạt hoạt động nghệ thuật, thể dục thể thao luôn cuốn hút lứa tuổi thiếu nhi tham gia. Tại Hội An, các nhóm nhảy, lớp truyền dạy diễn tuồng cũng như những lớp học vẽ khiến cho đời sống tinh thần của lứa tuổi hoa ở phố cổ thêm phần sinh động. Ngoài ra, các lớp học hè miễn phí cũng như những hoạt động sinh hoạt hè do các anh chị đoàn viên tổ chức cũng là những hoạt động cuốn hút các em.
HÈ NÀY, Ở MIỀN NÚI...
Đối với thanh thiếu niên ở các huyện miền núi, mùa hè thiếu những hoạt động bổ ích bởi điều kiện còn khó khăn. Số ít những hoạt động truyền thông về an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước khó thu hút trẻ tham gia khi về sống tại cộng đồng.
Giúp gia đình dịp hè
Hè năm 2020 đến trễ hơn so với mọi năm, lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên ở miền núi, nhiều hoạt động khó tổ chức cho thanh thiếu niên. Trong chừng mực cho phép, một số địa phương miền núi vẫn cố gắng tổ chức các hoạt động bổ ích cho thanh thiếu niên, đặc biệt là thiếu niên có được sân chơi. Hè, học sinh về với gia đình, ra cộng đồng nên việc quản lý thanh thiếu niên được giao về địa phương. Nơi nào có hoạt động thì sẽ tập trung được lực lượng tham gia, không có hoạt động thì học sinh nghỉ hè chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ.
Tại xã Trà Nú (Bắc Trà My), những ngày hè là dịp để em Nguyễn Văn Tỏ ở nhà giúp cha mẹ chăn bò, phát rẫy. Tỏ nói năm nay em đã học lớp 8, lớn rồi nên giúp cha mẹ được những việc ở rẫy như phát cỏ keo, lượm củi, chăn bò. “Em còn có em nhỏ, mẹ ở nhà giữ em, cha đi phụ hồ. Ngày đi học thì buổi em đi học, buổi ở nhà chăn bò. Hè thì cả ngày ở trong rẫy giúp cha phát rẫy, thả bò, chiều về có thêm bó củi mang về nữa. Em chưa khi nào tham gia các hoạt động hè cả, ở xã cũng không có hoạt động chi hết”.
Một ngày, rảo bước chân dọc các con đường của TP.Tam Kỳ, em Trần Văn Quỳnh (xã Sông Trà, Hiệp Đức) có thể bán được từ 50 - 100 tờ vé số. Vừa nghỉ hè ngày hôm trước, ngày hôm sau Quỳnh đã đi bán vé số cùng mẹ. Bán vé số là công việc quanh năm của mẹ, nên hè nào Quỳnh cũng phụ thêm giúp mẹ để kiếm tiền trang trải cho năm học sau.
Quỳnh tâm sự: “Từ hồi em lên lớp 6, em đã đi bán vé số cùng với mẹ trong dịp hè rồi. Bán vé số mang lại nguồn thu nhập cho em để năm học mới có tiền sắm áo quần, sách vở. Chứ hè ở nhà, em cũng đâu có tham gia hoạt động gì, lại không làm chi giúp bố mẹ được, nên đi bán vé số vừa sức, em đi bộ cũng tốt nên đi vòng quanh thành phố cũng không có vấn đề gì với đôi chân hết”.
Cố gắng trong điều kiện cho phép
Những hoạt động hè dành cho thanh thiếu niên khu vực miền núi phụ thuộc rất nhiều điều kiện, bởi địa hình cách trở, học sinh trở về với gia đình, cộng đồng sẽ khó tập trung hơn khi học tập trong nhà trường. Trong điều kiện cho phép, một số huyện cố gắng có những hoạt động hè bổ ích để thanh thiếu niên tham gia.
Chị Võ Thị Hồng Hà - Bí thư Huyện đoàn Bắc Trà My cho biết: “Thời gian nghỉ hè năm này ngắn, lại trong điều kiện vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, nên huyện chỉ tổ chức một số hoạt động tập trung cho thanh thiếu niên tham gia. Huyện có chỉ đạo cho đoàn xã, thị trấn tùy theo điều kiện, cố gắng có những hoạt động bổ ích, thu hút được sự tham gia của học sinh khi các em về địa phương. Nhưng với điều kiện huyện miền núi, việc huy động thanh thiếu niên tham gia hoạt động có một phần khó khăn do khi các em về với gia đình thường phụ giúp cha mẹ công việc nhà, huy động các em không tham gia. Thêm nữa là kinh phí hạn hẹp nên cũng khó cho các xã, thị trấn”.
Huyện đoàn Bắc Trà My dự kiến tổ chức hoạt động ra mắt “Câu lạc bộ thanh thiếu niên bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số”, tuyên truyền về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, bồi đắp tình yêu trong thanh thiếu niên đối với văn hóa truyền thống của dân tộc mình, giúp các em có ý thức bảo vệ văn hóa cộng đồng, văn hóa tổ tiên không bị phai nhạt theo nhịp sống hiện đại.
Huyện cũng sẽ tổ chức trại hè với sự tham gia của các đoàn viên thanh niên ở các xã, thị trấn. Tại trại hè sẽ có thêm các hoạt động phối hợp với công an để truyền thông, nói chuyện về phòng tránh tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức phòng chống xâm hại thân thể và tinh thần, nhất là đối với trẻ em gái. Phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Trà My cũng đã bắt đầu tổ chức các đợt tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích đến 6 xã vùng cao của huyện. Qua các đợt truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong cả cha mẹ và thanh thiếu niên trước vấn nạn xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích đang xảy ra ngày một phức tạp.
TẬP HUẤN KỸ NĂNG BƠI LỘI
Đảm bảo an toàn trong môi trường nước bằng các kỹ năng bơi lội là hoạt động được nhiều địa phương chú trọng...
Truyền thông, tập huấn cho trẻ em những kỹ năng an toàn trong môi trường nước được nhiều địa phương tổ chức thực hiện. Trẻ em đã được các huấn luyện viên bơi lội chuyên nghiệp và giáo viên thể dục hướng dẫn những kỹ năng để đảm bảo an toàn trong môi trường nước cho bản thân và cho mọi người.
Em Nguyễn Thị Đào (xã Tiên Phong, Tiên Phước) nói: “Những kiến thức tưởng chừng như đơn giản như kêu cứu khi gặp tình huống khẩn cấp, thả dây hoặc sào để cứu người bị đuối nước... nhưng nếu không biết cách thì mình không thể làm đúng, gây mất an toàn cho người đang bị đuối nước. Thậm chí kể cả người biết bơi mà không biết các kỹ năng ứng cứu, sơ cấp cứu người bị đuối nước thì người bị đuối nước và cả người ứng cứu cũng sẽ gặp nguy hiểm. Sau khi các thầy hướng dẫn, tụi em mới biết được những cách ứng cứu cần thiết nếu rơi vào trường hợp đuối nước hay cứu người khác đuối nước. Những kiến thức này thực sự rất cần thiết và bổ ích”.
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Tổng cục Thể dục thể thao đã lựa chọn Quảng Nam để triển khai thí điểm dạy bơi và tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước năm 2020. Theo đó, trong nửa đầu tháng 7, lớp tập huấn cho gần 100 học viên của các xã, phường, thị trấn, trường học của tỉnh đã diễn ra theo đúng kế hoạch. Ngoài ra, Tổng cục Thể dục thể thao hỗ trợ dạy bơi theo chương trình thí điểm tại 3 cơ sở/trường học trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ tổ chức hội thi bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2020.
“Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học bơi và công nhận trẻ em biết bơi không chỉ chú trọng tiêu chí trẻ em biết bơi đúng kỹ thuật, bơi nhanh, bơi xa mà còn đánh giá việc các em nắm vững kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, thực hành tốt kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối nước an toàn, kỹ năng cứu bạn và tự cứu mình” - ông Tào Viết Hải chia sẻ.
LẮNG NGHE TIẾNG NÓI CỦA TRẺ
Những diễn đàn đối thoại dành cho trẻ em các cấp được tổ chức, như một cách để gợi nhắc rằng, người lớn cần lắng nghe nhiều hơn những nguyện vọng, nhu cầu của trẻ.
Ông Lê Quang Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn: Nâng cao năng lực đối thoại trẻ em
Mùa hè năm nay có thời gian khá ngắn vì nhiều lý do, nhưng cũng vì thế hoạt động hè dành cho thiếu nhi lại được nhiều cấp ngành quan tâm hơn. Ở góc độ của tổ chức đoàn, chúng tôi đã tập trung vào các hoạt động giúp cho trẻ em được tham gia những chương trình nâng cao năng lực thể hiện tiếng nói, nguyện vọng của mình, cũng là nâng cao năng lực về quyền trẻ em. Theo đó, Tỉnh đoàn đã tổ chức được Diễn đàn Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, trên cơ sở hội đồng trẻ em cấp huyện của các địa phương. Chúng tôi đánh giá đây là hoạt động quan trọng nhất để nâng cao năng lực đối thoại của trẻ em, cũng như là cách thức để có thể nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các em.
Tại Diễn đàn Hội đồng trẻ em cấp tỉnh vừa tổ chức, các em tập trung vào những vấn đề như làm thế nào để có thể bảo vệ các em trong câu chuyện về bạo hành trẻ em hoặc lạm dụng tình dục trẻ em; các sân chơi trẻ em còn thiếu thốn, những bể bơi ở các địa phương còn ít ỏi... Đây là những tiếng nói đại diện cho nguyện vọng của nhiều bạn cùng lứa tuổi thông qua tổ chức Hội đồng trẻ em cấp huyện do Tỉnh đoàn yêu cầu các địa phương thành lập. Hiện nay đã có 5 địa phương thành lập được Hội đồng trẻ em cấp huyện do huyện, thị đoàn giữ vai trò chủ quản. Dự kiến trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng vận động các địa phương thành lập thêm.
Cùng với việc lắng nghe tiếng nói trẻ em, mùa hè năm 2020, Tỉnh đoàn đã kêu gọi xã hội hóa để chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến chúng tôi sẽ trao 5 nghìn suất học bổng cho các em thiếu nhi khắp nơi.
Bà Đoàn Thị Hoài Nhi – Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em & bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH): Phòng chống xâm hại trẻ em
Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong toàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của gia đình, cộng đồng xã hội và chính sách của Nhà nước. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, Tháng hành động vì trẻ em; trao, tặng xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; khám sàng lọc trẻ em bị khiếm thính; khám sàng lọc và phẫu thuật tim cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh; trao học bổng... với tổng kinh phí hơn 1,285 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19 nên tiến độ một số nội dung của kế hoạch năm 2020 bị chậm. Tình hình tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em, một số vụ gây tử vong cho trẻ em. Trong 6 tháng đầu năm 2020 có 2 trẻ bị xâm hại tình dục, 3 trẻ tử vong vì đuối nước, 1 trẻ tử vong do bị cha bạo hành. Tình trạng trẻ em lạm dụng đồ chơi công nghệ, nghiện games, điện tử, trẻ em truy cập các trang internet có nội dung độc hại hoặc các trò chơi không lành mạnh có nguy cơ tăng cao; khu vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu nên trẻ thiếu nơi vui chơi lành mạnh.
Trong dịp hè, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp cùng các đơn vị, sở ngành tổ chức các hoạt động hướng về cộng đồng, tạo sân chơi cho trẻ em, hỗ trợ các địa phương truyền thông phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Thị xã Điện Bàn: Trẻ em luôn cần vui chơi
Các em thiếu nhi nơi nào cũng mong muốn có nhiều hoạt động để mình được tham gia. Để các em có cơ hội tham gia các khóa học như những bạn tại vùng trung tâm, Điện Bàn quyết định mang các hoạt động hè tổ chức từng cụm như hiện nay. Đơn cử như lớp học bơi, các năm trước chỉ mở tại Trung tâm VH-TT, nay chúng tôi tổ chức thêm lớp bơi cho thiếu nhi tại xã Điện Hồng. Tính cả hai nơi thì số lượng học viên lên đến 650 em. Các lớp võ cổ truyền cũng được tận dụng không gian tại các thiết chế văn hóa của nhiều xã để mở cho các em thiếu nhi tại chính địa phương tham gia. Xác định tổ chức tại cơ sở theo hình thức từng cụm là quan trọng nhất, Trung tâm VH-TT thị xã Điện Bàn đã chia địa bàn thành 5 cụm để các em thiếu nhi nơi nào cũng sẽ có hoạt động vui chơi, giải trí. Tôi nghĩ đó cũng là cách để các em ở khắp nơi đều có mùa hè.