Tấm lòng nhà giáo
Suốt cuộc đời dạy học, cô giáo Phạm Thị Sáu (Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo, Hiệp Đức) luôn dành tâm huyết cho học trò, nhất là học trò khuyết tật.
Năm 2013, cô giáo Phạm Thị Sáu được phân công giảng dạy một lớp có trẻ khuyết tật dạng câm điếc học hòa nhập tại Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo. Ba năm theo dạy lớp có trẻ khuyết tật nặng, tuy khó khăn, nhưng với lòng tận tụy, yêu nghề, cô đã giúp học trò tiến bộ.
Cô Phạm Thị Sáu nhớ lại: “Lúc đầu nhận lớp, tôi gặp không ít khó khăn trong tiếp xúc với học trò bị câm điếc. Tôi giảng bài, học trò không nghe, không hiểu; tôi hỏi, học trò không trả lời được. Biết dạy như thế nào để học trò hiểu bài và biết viết luôn là trăn trở trong tôi”.
Thế rồi cô tìm tòi học hỏi cách dạy trẻ câm điếc bằng ngôn ngữ của ngón tay. Qua 3 năm dạy - học hòa nhập, học trò của cô đã biết viết. Điều đó như tiếp thêm động lực cho cô Sáu và cũng từ đó đến nay, cô Sáu đã chia sẻ kinh nghiệm về dạy trẻ khuyết tật cho đồng nghiệp.
Không chỉ quan tâm dạy dỗ học trò, cô Phạm Thị Sáu còn tìm hiểu hoàn cảnh của các em để giúp đỡ. Học sinh khuyết tật, thiệt thòi luôn được cô cảm thông, sẻ chia, động viên bằng tấm lòng. Có lần đang dạy, cô thấy học trò câm điếc gục trên bàn. Tìm hiểu, cô được biết mẹ em bỏ nhà đi và cô tìm cách an ủi, vỗ về. Với học trò nghèo hiếu học, cô tìm cách giúp đỡ. Với học trò tinh nghịch, cá biệt, cô giáo dục bằng biện pháp vừa cứng rắn vừa yêu thương dỗ dành... Sự giáo dục, cảm hóa học trò bằng cái tâm, cái đức của cô Sáu khiến các em mến phục và vâng lời. Những thế hệ học trò của cô Sáu, bây giờ dù làm gì, ở đâu, khi nhắc đến cô giáo cũ, đều có chung suy nghĩ: Cô Phạm Thị Sáu là một giáo viên hết lòng vì học sinh.
Gần 30 năm gắn bó với ngành giáo dục, trải qua nhiều gian khó, cô Phạm Thị Sáu vẫn luôn yêu nghề và tận tụy với trò, là tấm gương sáng của ngành giáo dục Hiệp Đức. Theo ông Ngô Ngọc Quốc - Phó Trưởng phòng kiêm Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT huyện Hiệp Đức, cô Phạm Thị Sáu là một giáo viên tâm huyết với nghề, tận tụy với học trò. Nhiều đồng nghiệp rất yêu quý và mến phục cô. Bên cạnh lòng biết ơn của học trò và đánh giá cao của đồng nghiệp, cô Phạm Thị Sáu vinh dự được tôn vinh là nhà giáo tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ 3 vào năm 2015 và được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen.