Sữa học đường đến với học trò miền núi
Chương trình sữa học đường - một chính sách nhân văn dành cho học sinh (HS) tiểu học và mầm non miền núi của tỉnh đã đi vào cuộc sống.
Cuối năm 2019, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết 15 (17.12.2019) về Chương trình sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và HS tiểu học tại các huyện miền núi cao của tỉnh.
Đây được xem là chính sách nhân văn, bởi trẻ mẫu giáo (từ 3 - 6 tuổi) và HS tiểu học (lớp 1 - 5) đang theo học tại 6 huyện miền núi cao (Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang) sẽ được uống sữa miễn phí mỗi ngày 1 hộp loại 180ml, uống 5 lần/tuần trong thời gian 9 tháng của năm học. Thời gian thực hiện từ 1.2020 đến 5.2022 với nguồn kinh phí 110 tỷ đồng do ngân sách tỉnh đảm bảo.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19, HS nghỉ học dài ngày và nhiều lý do khác nên việc triển khai thực hiện có phần chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng của tỉnh, đặc biệt là Sở GD-ĐT, từ ngày 1.6, chính sách này chính thức đi vào cuộc sống khi HS các địa phương miền núi được uống sữa hàng ngày.
Theo Sở GD-ĐT, qua đấu thầu (có 3 đơn vị tham gia gồm Công ty Nutifood Bình Dương, Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty CP thực phẩm sữa TH), kết quả Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) trúng gói thầu năm 2020 với trị giá 28,4 tỷ đồng.
Thực hiện theo đúng cam kết hợp đồng, từ ngày 1.6, đơn vị trúng thầu bắt đầu cung cấp sữa đến các trường học tổ chức cho HS uống sữa. Có tổng cộng 11.542 trẻ mầm non và 19.758 HS tiểu học của các địa phương được uống sữa của chương trình trong hơn tháng qua.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình sữa học đường tỉnh mới đây, lãnh đạo các huyện miền núi cho biết, người dân địa phương rất phấn khởi khi con em có sữa để uống.
Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, đây là một chính sách nhân văn, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần bổ sung dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc cho HS các huyện miền núi, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Một lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện Đông Giang thông tin, sữa được tập trung ở trường chính, còn điểm trường lẻ không có điều kiện bảo quản nên giáo viên mỗi ngày đi dạy mang theo phát cho HS. Qua thống kê của các trường, từ khi có sữa uống, HS đi học chuyên cần hơn.
Với học trò miền núi, vùng dân tộc thiểu số, Chương trình sữa học đường được triển khai không chỉ bổ sung dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho HS, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha mẹ về tầm quan trọng của dinh dưỡng nói chung, sữa học đường nói riêng đối với sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em.